Phú Thọ: Khuyến khích sản xuất các loại VLXD tiết kiệm năng lượng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) – Điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ khuyến khích sản xuất các loại VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.


Ảnh minh họa.

Quy hoạch phát triển ngành VLXD Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh kết hợp hài hòa các yếu tố hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trên cơ sở ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu, quy mô hợp lý, sản phẩm đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Quan điểm phát triển của tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung vào các chủng loại sản phẩm VLXD theo nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh như gạch ốp lát, vật liệu xây nung và không nung, cát xây dựng, đá xây dựng. Tiến tới là tập trung các cơ sở sản xuất VLXD vào các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi trong phát triển sản xuất và đảm bảo về môi trường, từng bước chuyển đổi để loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp, không phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Đồng thời khuyến khích sản xuất các loại VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xi măng đến năm 2020 khoảng 3,01 triệu tấn/năm. Định hướng đầu tư phát triển xi măng trong từng giai đoạn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam và quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng. Điều chỉnh loại bỏ cơ sở xi măng Yến Mao ra khỏi quy hoạch đến năm 2020, giữ nguyên 03 cơ sở sản xuất xi măng hiện có. Điều chỉnh tăng công suất thiết kế Nhà máy xi măng Sông Thao đến năm 2020 từ 0,91 triệu tấn/năm lên khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Các nhà máy xi măng phải thường xuyên đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường.

Vật liệu lợp tổng công suất thiết kế các cơ sở sản xuất tấm lợp hiện nay đến năm 2020 khoảng 9,1 triệu m². Định hướng đến năm 2020 không đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng các cơ sở có sử dụng amiăng chrysotile, phát triển sản xuất các loại tấm lợp kim loại, ngói không nung xi măng - cát có màu và các loại ngói không nung nhẹ.

Đá xây dựng có định hướng đầu tư phải căn cứ vào việc cấp phép khai thác đá xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Khuyến khích các cơ sở khai thác, sản xuất đá đầu tư cơ sở cát nghiền hoặc phối hợp liên kết đầu tư với cơ sở sản xuất cát nghiền, gạch không nung nhằm tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn vật liệu xây không nung ở địa phương. Nâng cao công tác thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, không cấp mới, không gia hạn khai thác đối với các khu vực khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan.

Tầm nhìn đến năm 2030 các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu sẽ được đầu tư phát triển như xi măng, vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh, bê tông. Hạn chế sử dụng bê tông trộn tại công trình bằng phương pháp thủ công, nhằm đảm bảo chất lượng bê tông và vệ sinh môi trường đô thị. Khuyến khích nghiên cứu phát triển các loại bê tông mới, bê tông mác cao, bê tông cốt thép ứng lực trước, bê tông tự đầm, bê tông có tính năng đặc biệt và các dạng bê tông mới. Tăng cường sử dụng phế thải làm nguyên liệu sản xuất bê tông. Phát triển các loại phụ gia cho bê tông để nâng cao khả năng dễ thi công và các tính năng sử dụng khác. Phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng khác theo nhu cầu của xã hội.

Hà Đào

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google