Nghiên cứu xây dựng công cụ và hướng dẫn các giải pháp che nắng cho công trình đáp ứng Quy chuẩn 09:2017/BXD

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Ngày 18/2/2020, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ và hướng dẫn các giải pháp che nắng cho công trình đáp ứng Quy chuẩn về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả”. Đề tài do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Công Thịnh - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.

Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Công Thịnh phát biểu kết luận cuộc họp
 

Trình bày Báo cáo thuyết minh tóm tắt đề tài trước Hội đồng, GS.TS. Trần Ngọc Chấn - Chủ trì đề tài nêu lên sự cần thiết phải thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ và hướng dẫn các giải pháp che nắng cho công trình đáp ứng Quy chuẩn về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả”, đồng thời cho biết, kết cấu che nắng bên ngoài tòa nhà có vai trò quan trọng, giúp giảm thiểu lượng nhiệt bức xạ mặt trời truyền vào trong nhà thông qua cửa sổ kính, đặc biệt là đối với những quốc gia có khí hậu nhiệt đới nằm ở vị trí địa lý có vĩ độ thấp, gần xích đạo như Việt Nam.
Hiện nay trên thế giới, các nước phát triển rất chú trọng nghiên cứu kết cấu che nắng trong các công trình kiến trúc và đưa ra 2 loại kết cấu che nắng phổ biến nhất là: Kết cấu che nắng kiểu tâm ngang, có chiều dài liên tục, đặt sát mép trên cửa sổ và vuông góc với mặt tường; kết cấu che nắng kiểu tấm đứng, chiều cao liên tục, đặt sát cạnh bên của cửa sổ và vuông góc với bề mặt tường. Đặc biệt, nhiều tài liệu khoa học của Nga đã đưa ra phương pháp tính toán 2 loại kết cấu che nắng ngang dài liên tục và tấm che nắng đứng cao liên tục đặt sát mép trên cửa sổ và vuông góc với bề mặt tường.

Đúc rút kinh nghiệm quốc tế và thông qua thực tiễn nghiên cứu tại Việt Nam, trong đề tài này, nhóm nghiên cứu tiến hành ghép nhóm theo đặc điểm các loại kết cấu che nắng và tên các chương trình phần mềm tương ứng, là: Nhóm 1 gồm 3 loại kết cấu che nắng có tính đối xứng qua trục thẳng đứng đi qua tâm cửa sổ (trục Bắc - Nam), gồm: Tấm che nắng ngang liên tục; ô văng che nắng dài có giới hạn; kết cấu che nắng dạng hộp 3 bên. Nhóm 2 là các loại kết cấu che nắng không có tính đối xứng qua trục thẳng đứng đi qua tâm của cửa sổ, gồm: Tấm che nắng ngang cao liên tục vuông góc hoặc xiên góc so với mặt tường; kết cấu che nắng thước thợ eke.

Về ý nghĩa của tính đối xứng, nhóm nghiên cứu cho biết, nếu cửa sổ có kết cấu che nắng có tính đối xứng, nhìn về hướng đối xứng nhau qua trục Bắc - Nam (ví dụ, Đông - Tây; Đông Bắc - Tây Nam…) thì trị số giảm bức xạ mặt trời trong ngày sẽ đối xứng nhau qua thời điểm 12h trưa. Trường hợp này chỉ cần tính hệ số giảm bức xạ mặt trời  cho 9 hướng hoặc nhóm hướng khác nhau: Bắc; Bắc Đông Bắc - Bắc Tây Bắc; Đông Bắ - Tây Bắc; Đông Đông Bắc - Tây Tây Bắc; Đông - Tây; Đông Đông Nam - Tây Tây Nam; Đông Nam - Tây Bắc; Nam Đông Nam - Nam Tây Nam và cuối cùng là Nam. Đối với các loại kết cấu che nắng không đối xứng thì phải tính trị số giảm bức xạ mặt trời cho tất cả 16 hướng.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng Chương trình phần mềm tính toán hệ số giảm bức xạ mặt trời, số liệu đầu vào của Chương trình bao gồm: Loại kết cấu che nắng cần tính toán (chọn theo danh mục các loại kết cấu che nắng); địa điểm xây dựng (chọn theo danh mục 63 tỉnh thành trong cả nước); vĩ độ địa điểm xây dựng; 3 tháng nóng nhất trong năm của địa điểm xây dựng và nhiệt độ trung bình tháng của 3 tháng đó (lấy theo số liệu QCVN 02:2009/BXD); kích thước cụ thể của cửa sổ và kết cấu che nắng thuộc loại đã chọn. Kết quả tính toán của Chương trình phần mềm đối với mọi loại kết cấu che nắng là trị số giảm bức xạ mặt trời ứng với kích thước cụ thể của loại kết cấu che nắng đó cho tất cả các hướng.

Nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo thuyết minh tổng kết đề tài, Hội đồng đã đưa ra những nhận xét, góp ý giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu và chỉnh sửa Báo cáo. Hầu hết các chuyên gia thành viên Hội đồng đều đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài. Các sản phẩm của đề tài đảm bảo chất lượng, trong đó Chương trình phần mềm tính toán trị số giảm bức xạ mặt trời có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, đặc biệt là có thể cài đặt vào máy tính và sử dụng ngay cả khi không kết nối internet.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên Hội đồng nhận xét nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo hợp đồng. Sản phẩm đề tài là kết hợp của kinh nghiệm trong nước, quốc tế cùng khả năng tổng hợp, phân tích sâu sắc của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, phần Mở đầu Báo cáo tổng kết đề tài cần trình bày sâu sắc, rõ ràng hơn, cần bổ sung nội dung hướng dẫn các giải pháp che nắng cho công trình đáp ứng Quy chuẩn về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và tách ra thành một sản phẩm riêng, theo như yêu cầu của đề tài được giao.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh - Chủ tịch Hội đồng đề cao sự nghiêm túc của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Môi trường xây dựng Việt Nam khi thực hiện đề tài, đồng thời đánh giá, Báo cáo tổng kết đề tài có chất lượng tốt, logic, dễ hiểu, song cần đổi tên các mục thành các chương, nêu rõ hơn sự cần thiết phải thực hiện đề tài và bổ sung thêm một số nội dung đề xuất, kiến nghị.

Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Công Thịnh đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, trong đó chú ý hoàn thiện nội dung hướng dẫn các giải pháp che nắng cho công trình đáp ứng Quy chuẩn về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, sớm hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng công cụ và hướng dẫn các giải pháp che nắng cho công trình đáp ứng Quy chuẩn về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả”, với kết quả đạt loại Khá.
Trần Đình Hà
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google