Mục tiêu của Kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng 5% - 7% tổng tiêu thụ năng lượng và giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 4% trên toàn TP; đạt chỉ tiêu 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng; 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 80% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Đạt chỉ tiêu 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn; đạt 330 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn TP được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và mỗi năm có ít nhất 2 - 3 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp quốc gia.
Một số giải pháp góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2016 - 2020 cụ thể: đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 5%; đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 3% - 6,88% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; đối với công nghiệp giấy: từ 8 % - 15,8% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất; đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 7%; đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 18% - 22,46%...
Sở Công Thương - cơ quan thường trực Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả TP có trách nhiệm: chủ trì, phối hợp Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình quốc gia, Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra; điều phối, giám sát, kiểm tra hoạt động triển khai, kết quả thực hiện của từng nhiệm vụ; tổng hợp, tham mưu, trình UBND TP phê duyệt nhiệm vụ, kinh phí thực hiện Chương trình theo từng năm.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng làm đầu mối phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương triển khai các hoạt động liên quan đến: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế chính sách; hỗ trợ kỹ thuật, tài chính nhằm thức đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động sản xuất, cải tạo, chuyển đổi thị trường, trang thiết bị, máy móc, dây truyền sản xuất; xây dựng trung tâm dữ diệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; công tác tuyên truyền, tăng cường năng lực mạng lưới tổ chức, cá nhân về tiết kiệm năng lượng; đào tạo nguồn nhân lực quản lý năng lượng…
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm: tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn theo thẩm quyền; bố trí cán bộ, kinh phí địa phương để thực hiện Chương trình; quản lý sử dụng tiết kiệm điện trong cơ sở hoạt động dịch vụ, cơ sở lưu trú hai sao trở xuống; trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn; chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn theo quy định.
Đức Dũng (http://nangluongsachvietnam.vn/)
01 - 09 - 2020
03 - 08 - 2020
25 - 08 - 2020