Giải pháp vận hành công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
(TN&MT) - Những khó khăn đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các Chủ đầu tư, Chủ sở hữu các công trình đối diện nhiều thách thức, phải cắt giảm chi phí nhằm duy trì hoạt động. Ở khía cạnh tích cực, các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội tốt để đưa ra các giải pháp vận hành công trình tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, hướng tới các công trình xanh.

Cơ hội giảm chi phí năng lượng

Tại Hội thảo Công trình hiệu quả năng lượng thực hành tốt trong vận hành hậu Covid- 19 do Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam (EEN - Vietnam) tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khiến các công trình phải gánh thêm nhiều chi phí về an ninh, vệ sinh phòng dịch, kỹ thuật và chăm sóc khách hàng, hướng đi hiệu quả và bền vững nhất để giải quyết vấn đề chi phí chính là cải thiện hiệu năng vận hành các công trình hiện nay.

Nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA cho thấy, lĩnh vực vận hành công trình chiếm đến 28% tổng phát thải toàn thế giới, chủ yếu đến từ sử dụng năng lượng. Đây chính là điểm mấu chốt cần chuyển đổi.

Dẫn chứng về The Villa Hội An, 1 trong 2 công trình ở Việt Nam nhận được Chứng chỉ Tiêu chuẩn Xanh quốc tế HQE, ông Trần Thành Vũ - Chủ tịch Hiệp hội Mô phỏng Hiệu năng Công trình xây dựng Việt Nam cho biết: Phía HQE đánh giá cao công trình này vì đã đem lại điểm nhấn mới mẻ và thay đổi quan niệm quản lý công trình bền vững của chính quyền địa phương. Thiết kế công trình đã tận dụng nhiều nhất điều kiện thông gió tự nhiên thay vì dùng điều hòa. Các phòng nghỉ đều có hướng dẫn cụ thể thời điểm, nhiệt độ ngoài trời như thế nào thì nên mở cửa. Và nếu làm đúng, người dùng có thể giúp giảm 1 kg CO2 phát thải ra môi trường.

“Để xây dựng đúng thiết kế, đảm bảo thông gió tối ưu và có mái xanh với thảm thực vật phía trên công trình, đơn vị đã tổ chức hơn 20 cuộc họp cả chính thức và không chính thức với chính quyền TP. Hội An. Kết quả đem lại hoàn toàn xứng đáng với việc giảm khoảng 45% tiêu thụ năng lượng. Và sau công trình này, người dân muốn làm mái xanh ở Hội An không cần phải xin phép nữa” - ông Vũ cho biết.

 Đồng tình với quan điểm rằng tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) công trình khá lớn, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc kỹ thuật khách sạn JW Marriott Hà Nội cho rằng, riêng lĩnh vực khách sạn, nhu cầu tiêu tốn năng lượng lớn nhất là điện (chiếm 65 - 85%), chủ yếu cho điều hòa không khí, chiếu sáng và các nhu cầu khác. Các loại năng lượng khác là gas, dầu và nước (dưới 15%). Từ đây, nếu quản lý tốt, các khách sạn có thể TKNL từ cải tiến hệ thống điều hòa, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp hơi, từ nước và hiệu suất thông qua bảo dưỡng, vận hành tối ưu các thiết bị.

Vận hành công trình tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, hướng tới các công trình xanh. Ảnh: MH

Thiếu năng lực thiết kế và kiểm soát công trình

Dù vậy, theo ông Chính, thách thức đến từ chính người quản lý, cần có kiến thức tổng hợp, sâu rộng, hiểu biết về hoạt động của hệ thống kỹ thuật. Với cơ sở lựa chọn thiết bị có hiệu suất cao, TKNL ngay từ khâu thiết kế, nhưng khi sử dụng không đúng và không tối ưu nên vẫn lãng phí mà không biết. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều nhà cung cấp và thực thi các giải pháp TKNL nên cơ sở ít có sự lựa chọn và so sánh, dẫn đến giá thành cao.

Bên cạnh chi phí, năng lực thiết kế và năng lực kiểm soát công trình ở Việt Nam khá thấp, dẫn đến đầu tư công trình cao nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn không tối ưu. Ông Trần Thành Vũ cho rằng, nếu có thể phát triển mạnh hơn những công cụ mô phỏng sử dụng năng lượng, mô hình hóa thì các công trình hoàn toàn có thể tìm những điểm đang tiêu tốn năng lượng để tập trung xử lý. Khi bắc cầu giữa kỹ thuật và chi phí, bài toán tài chính sẽ rõ ràng, thuyết phục chủ đầu tư, tránh làm mò mẫm mà vẫn cải tạo triệt để. Thậm chí có thể nhận được Chứng chỉ công trình xanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở đạt chỉ tiêu năng lượng (hoặc tiêu chí xanh) bằng đơn giá năng lượng thấp hơn trong giai đoạn nhất định để thu hồi vốn. Khuyến khích bằng cách miễn, giảm thuế cho các thiết bị, công trình TKNL với thủ tục đơn giản, phù hợp với chính sách TKNL và bảo vệ môi trường của Chính phủ. Ngoài ra, cần có trang web cung cấp thông tin về giải pháp, hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các câu hỏi… để chủ cơ sở có thể tự triển khai TKNL.

Thực tế từ thị trường bất động sản thời gian gần đây cho thấy, nhiều cơ hội đang mở ra với công trình xanh tại Việt Nam. Theo ông Phạm Huy Tuấn - Chủ tịch Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội, các chủ đầu tư và chủ sở hữu có thể nhìn nhận, đánh giá lại công tác quản lý vận hành bất động sản. Việc này không chỉ đảm bảo cho các tiện ích, cơ hạ tầng, các dịch vụ của bất động sản luôn trong trạng thái hoạt động tốt và tối ưu hóa, mà còn xây dựng được niềm tin của cư dân về một môi trường sống và làm việc an toàn và bền vững, từ đó giữ uy tín cho chủ sở hữu bất động sản.


Khánh Ly (Báo Tài nguyên Môi trường)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google