Diamond Lotus Riverside chung cư cao tầng xanh theo chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh tại Việt Nam, phát triển nhà ở cao tầng là xu hướng tất yếu, đồng thời, phát triển nhà ở cao tầng theo các tiêu chuẩn Công trình xanh (CTX) được xem là giải pháp hiệu quả, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị. Theo đó, dự án Diamond Lotus Riverside được phân tích như là trường hợp chung cư cao tầng điển hình theo tiêu chuẩn LEED tại Việt Nam.

Hình 1: Công trình DLRS nhìn từ trên cao (hình chụp tháng 8/2019, nguồn: công ty Phúc Khang)
Nằm trên đường Lê Quang Kim, Quận 8, TP.HCM, công trình có tổng diện tích 16.800m2, diện tích xây dựng 3.200m2, mật độ xây dựng 19%. Công trình gồm 3 khối nhà kết nối bởi 2 cầu nối trên mái (Hình 1). Tổng cộng có 2 tầng hầm và 22 tầng nổi. Trong đó, có 2 tầng thương mại và 20 tầng dân cư với 760 căn hộ.

Có thể nói, Diamond Lotus Riverside (DLRS) là chung cư cao tầng đầu tiên của Việt Nam được chủ đầu tư nội địa (công ty Phúc Khang) làm theo tiêu chuẩn LEED của Hội đồng CTX Mỹ (USGBC) và LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC). Công trình đã được đăng ký tiêu chuẩn LEED cấp độ vàng (Gold) và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, đã có cư dân sinh sống. Để đạt chứng nhận này, chủ đầu tư và các bên tham gia trong dự án phải thực hiện theo tiêu chí trong các hạng mục gồm: (i) Địa điểm bền vững; (ii) Sử dụng nước hiệu quả; (iii) Năng lượng và Không khí; (iv) Vật liệu và Nguồn tài nguyên; (v) Chất lượng môi trường bên trong nhà; và (vi) Đổi mới trong vận hành và Ưu tiên khu vực. Trong đó, có những tiêu chí bắt buộc và những tiêu chí được lựa chọn.

Để đảm bảo tiêu chí địa điểm bền vững, hàng loạt các giải pháp đã được xem xét áp dụng. Nhằm giảm dần việc sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân, dẫn đến giảm áp lực cho hệ thống giao thông, việc sử dụng phương tiện công cộng được khuyến khích (Hình 2) bằng việc bố trí trạm xe buýt trung chuyển (subtle bus), bãi đậu xe ưu tiên cho xe đạp và các loại xe thân thiện môi trường, xe phát thải thấp. Việc giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, giảm tác động biến đổi khí hậu là yêu cầu bắt buộc. Thảm thực vật lớn ở diện tích mái xanh và công viên trên mặt đất đóng góp lớn trong việc cải thiện điều kiện vi khí hậu, thông gió và cảnh quan của công trình. Dự án, trong giai đoạn thiết kế, đã đạt yêu cầu giúp giảm ô nhiễm ánh sáng. Các giải pháp phòng chống ô nhiễm cũng được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình thi công.

Hình 2: Mặt bằng tổng thể chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside (nguồn: tác giả)
Việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước trong CTX còn giúp TP tiết kiệm nước và bảo toàn nguồn nước. Theo tính toán, công trình này có thể tiết kiệm đến 40% lượng nước sử dụng từ các thiết bị tiết kiệm nước như bồn cầu 2 chế độ xả, vòi sen và vòi lavabo tiết kiệm nước. Ngoài ra, nước tưới cây xanh cảnh quan được tái sử dụng hoàn toàn từ nước thải sau xử lý và nước thải sau xử lý đạt yêu cầu cao nhất.
Hình 3: Vật liệu xây dựng trong quá trình thực hiện dự án chung cư DLRS (nguồn: tác giả)
Sử dụng năng lượng hiệu quả chiếm tỉ trọng từ cao nhất trong tổng số các tiêu chí đánh giá khác. Công trình DLRS có 2 mặt đứng chính đều quay về hướng Bắc-Nam, tránh được nắng hướng Đông và Tây, giúp thông thoáng tự nhiên tối ưu cho tất cả các phòng dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng điều hoà. Hệ thống đèn LED thế hệ mới đã được lắp đặt, tiết kiệm đến 50% chi phí điện chiếu sáng so với đèn thông thường. Các khu vực công cộng đều được tính toán và lắp đặt các thiết bị điện hiệu suất cao, giúp giảm chi phí vận hành cho toàn bộ cư dân. Từ giai đoạn thiết kế, mô phỏng năng lượng đã được thực hiện bởi nhà Tư vấn xanh. Hệ thống cây xanh bao quanh toàn bộ mặt đứng và mái nhà nhằm giúp che nắng và cách nhiệt.

Tiêu chuẩn LEED đòi hỏi nhà đầu tư, nhà thiết kế, xây dựng và quản lý dự án phải chú trọng đến việc khai thác sử dụng vật liệu và nguồn tài nguyên một cách bền vững. Các loại vật liệu địa phương, vật liệu tái sinh nhanh, vật liệu tái sử dụng, vật liệu tái chế, vật liệu không phát thải khí độc hại trong quá trình sản xuất, xây dựng và vận hành công trình… được yêu cầu và khuyến khích lựa chọn để sử dụng. Thông qua trường hợp dự án DLRS, có thể phân ra làm 2 nhóm gồm (i) những vật liệu nhìn thấy được như kính Low-e, keo dán hệ nhôm kính, sơn nước, sơn ống cứu hỏa, sàn gỗ…; (ii) những vật liệu không nhìn thấy được như keo dán ống PVC, xi măng, gạch bê tông cốt liệu, chống thấm bể nước, chống thấm hầm, trám bịt kín bê tông, phụ gia keo gián gạch ốp lát, keo chà ron gạch… Trong suốt quá trình thực hiện dự án, việc lựa chọn và sử dụng các loại vật liệu được tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ với những qui định khắt khe (Hình 3). Tất cả các minh chứng về kiểm định và những chứng nhận về vật liệu xanh và bền vững, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn LEED phải được tổng hợp và đệ trình đầy đủ cho Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC).

Trong cả vòng đời của CTX, vấn đề quản lý rác thải được kiểm soát chặt chẽ. Những vật liệu có thể tái chế sẽ được yêu cầu tiến hành thu gom nhằm giảm lượng chất thải ra môi trường, giảm chi phí vận chuyển và quan trọng nhất là sẽ giảm công suất bãi rác và nhà máy xử lý rác thải của địa phương. Việc hạn chế rác thải và tái sử dụng vật liệu cũng được quy định theo tỷ lệ rõ ràng trong quá trình thi công. Tại các điểm tập kết rác từ các căn hộ đều có những chỉ dẫn và tuân thủ việc phân loại rác. Chủ đầu tư cũng được yêu cầu tổ chức các đợt tập huấn cho toàn bộ cư dân trong chung cư về vấn đề này.

Hình 4: Mặt bằng khu DIAMOND LOTUS RIVERSIDE

Những không gian công cộng được khuyến khích sử dụng chung, tăng cường kết nối cộng đồng, hướng đến sự phát triển cộng đồng bền vững, hiện đại và nhân văn. Tiêu chí chất lượng môi trường bên trong được chú trọng nhằm bảo vệ sức khỏe của người sử dụng. Công trình DLRS có hướng nhà thuận lợi, tăng cường chiếu sáng tự nhiên, đầy đủ gió tươi cấp vào căn hộ theo tiêu chuẩn ASHREA của Hoa Kỳ. Tất cả các không gian trong căn hộ được đảm bảo phải có tầm nhìn kết nối với không gian bên ngoài (Hình 4). Các cửa sổ và lỗ mở được bố trí để tạo nên mối liên kết trực tiếp giữa môi trường bên ngoài và những người sống trong căn hộ. Các loại keo dán, sơn phải có hàm lượng chất hữu cơ bay hơi (VOC) thấp, đảm bảo sức khỏe của cư dân. Việc hút thuốc bị tuyệt đối cấm ở toàn bộ công trình, thậm chí cả ở lô gia hay cửa căn hộ. Những nơi có thể hút thuốc là bên trong căn hộ (đóng kín cửa) hoặc ở nơi cách xa không gian công cộng hơn 8m.

Việc trồng nhiều cây xanh mặc dù không có thêm điểm trong tiêu chuẩn LEED nhưng cây xanh được chủ đầu tư xem như một loại vật liệu đặc biệt trong công trình DLRS (Hình 5). Có khoảng 4.571m2 diện tích trồng cây xanh trên ban công của các căn hộ tạo nên một vành đai xanh bao xung quanh toàn bộ tòa nhà (Hình 5). Chiều dài ban công mỗi tầng là 571.4m, bề rộng chậu cây ở mỗi tầng là 0.4m và số tầng có ban công cây xanh là 20 tầng trong khi diện tích xây dựng khối đế là 3.242m2. Như vậy, tổng diện tích trồng cây xanh được bổ sung từ các ban công đã lớn hơn diện tích đất sử dụng để xây công trình.

Ngoài ra, công trình còn có thêm khu vực công viên cây xanh trên diện tích mái của 3 tòa nhà và 02 cầu nối trên không. Hơn nữa, có một diện tích cây xanh đáng kể ở khu vực công viên dọc bờ sông và ở khoảng trống kết nối giữa các tòa nhà. Có thể nói, đối với DLRS, chủ đầu tư đã bù lại diện tích cây xanh gấp đến gần 3 lần so với tổng diện tích đất được sử dụng để làm công trình. Tổng thể cây xanh được trồng từ mặt đất lan dần lên mặt đứng và lên đến phần mái tạo thành một hệ sinh thái đa dạng và liền mạch. Điều này rất đáng được khích lệ trong tình trạng thành phố rất thiếu các mảng xanh đô thị như hiện nay [2].

*TS.KTS Lê Thị Hồng Na
Giảng viên Trường đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2019)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google