EU hỗ trợ Việt Nam 142 triệu euro để chuyển đổi năng lượng bền vững

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam sẽ hỗ trợ không hoàn lại 142 triệu euro để Việt Nam triển khai Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU, hướng đến phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Ngày 30.6, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức đối thoại chính sách Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An và Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti.
Theo đó, Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) sẽ có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại trị giá 142 triệu euro. Đây là sự khẳng định sự hợp tác chặt chẽ, cam kết lâu dài của EU cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam, hướng đến phát thải bằng 0 vào năm 2050. 
Đại diện Bộ Công thương và Phái đoàn EU tại Việt Nam tham gia đối thoại về Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU trong ngày 30.6.
Nguồn vốn ODA của chương trình này góp phần hỗ trợ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3); Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (REDS); Hệ thống thông tin năng lượng Việt Nam (VEIS).
Cũng tại buổi đối thoại, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao các điều kiện chung liên quan đến chính sách chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) và cam kết của Chính phủ đối với Đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) vào tháng 12.2022.
Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam và Bộ Công thương đã chia sẻ thông tin liên quan đến công tác triển khai Quy hoạch điện VIII; vai trò của Bộ Công thương trong thực hiện JETP; công tác xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch và thời gian xây dựng cơ chế phát triển năng lượng tái tạo...
Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về cơ chế tài chính cho việc sử dụng ngân sách của SETP; thông tin về việc sửa đổi luật Điện lực và thời gian thực hiện; cơ chế hướng dẫn tư nhân tham gia lưới truyền tải; việc lồng ghép các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vào Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030...
Đại sứ EU Giorgio Aliberti cho biết, trên cơ sở các tài liệu yêu cầu giải ngân nhận được từ Bộ Công thương và kết quả phiên đối thoại hôm nay, Phái đoàn EU tại Việt Nam sẽ đề xuất Ủy ban châu Âu giải ngân cho Việt Nam 22 triệu euro ngay trong năm nay và sẽ thực hiện các cam kết tại hiệp định tài chính hai bên đã ký.
Theo: Thanh niên
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google