Chính sách tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường trong Luật Xây dựng sửa đổi
Ngày 03/2/2020 tại Văn phòng Quốc Hội, đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) về các nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xây dựng. Đây là những vấn đề quan trọng, nhưng chưa được nêu trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật xây dựn và được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và thẩm tra dự thảo Luật này.
Công trình tòa nhà Một liên hợp quốc- chứng chỉ Golden Lotus
Trên cơ sở những nghiên cứu về chính sách và hoạt động thực tiễn hỗ trợ thiết kế và cải tạo công trình tiết kiệm năng lượng của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (Dự án EECB) do Bộ Xây dựng triển khai với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua UNDP, chuyên gia của UNDP đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách tiết kiện năng lượng (TKNL), tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hệ thống pháp luật về xây dựng của Việt Nam, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước và các thành phần kinh tế của Việt Nam tổ chức và quản lý việc thực hiện các chính sách này trong thực tế. Điều đó cũng là tiền đề để Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao tại Định hướng chiến lược về Phát triển bền vững ở Việt Nam, Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh, Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Với tốc độ phát triển của ngành xây dựng và sự gia tăng đô thị hóa, TKNL trong các hoạt động xây dựng không chỉ giảm áp lực về nhu cầu điện mà còn phù hợp với xu hướng phát triển và tăng trưởng xanh.
Thực tế cho thấy, hiện Bộ Xây dựng đang thiếu khung pháp lý để có thể thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu về công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh đã được Chính phủ giao tại “Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2015-2030” (Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019); “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 30 vì sự phát triển bền vững” (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017); “Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020” (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014)… Hiện nay, một số doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tự tổ chức đầu tư các dự án với tên gọi đô thị xanh (Green City), đô thị sinh thái (Eco City), công trình xanh (Green Buildings), công trình hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Buildings) theo xu hướng của thế giới, song Việt Nam chưa có quy định pháp luật nào về các vấn đề này. Do đó, Bộ Xây dựng chưa có hình thức tổ chức, quản lý các hoạt động này trong nhiều năm qua, đặc biệt là các cơ chế, chính sách thúc đẩy các hoạt động này tại Việt Nam.
Nội dung kiến nghị của dự án EECB và quá trình thảo luận tại Văn phòng Quốc hội cho thấy sự ủng hộ của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và sự cần thiết phải đưa nội dung này vào Luật Xây dựng sửa đổi. Mặc dù khuôn khổ sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này chủ yếu tập trung vào việc tháo gỡ các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, song đây cũng là cơ hội để chúng ta bổ sung những nội dung pháp luật mà thực tiễn đặt ra, đặc biệt là các chính sách về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xây dựng – một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua.
Nguyễn Hằng