Kiến trúc xanh cho đô thị Tuy Hòa

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google


Hồn quê trong phố. Ảnh: Minh Nguyệt

Xanh là tiêu chí hàng đầu, kiến trúc xanh là bộ phận quan trọng không thể thiếu, góp phần làm cho đô thị xanh; kiến trúc xanh không có nghĩa đơn thuần là trồng nhiều cây xanh, mật độ xây dựng thấp mà còn được hiểu rộng hơn bao hàm nhiều nhân tố có quan hệ đến xã hội và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là “chỉ số đáng sống của đô thị”.

 Xu thế thời đại

TP Tuy Hòa đang phát triển mạnh nhà cao tầng: Nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại; đây thuộc loại kiến trúc hiện đại, không chỉ là điểm nhấn cho đô thị, mà còn tiết kiệm đất xây dựng. Nhà cao tầng có tuổi thọ cao, là nơi sống và làm việc của rất đông người; vì vậy công trình xanh, kiến trúc xanh phải được đặt lên hàng đầu đối với các công trình này. Bởi kiến trúc xanh đang là xu thế của các đô thị hiện đại.

Trên thế giới kiến trúc xanh đã được đề cập từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XXI khái niệm về kiến trúc xanh mới được nhắc đến. Thực ra kiến trúc xanh không phải là những gì xa lạ, ở Việt Nam kiến trúc xanh đã có từ rất lâu, đó là những ngôi nhà truyền thống nền lát gạch đất nung, vách trát vôi rơm... Quan niệm ngàn đời của ông cha ta là: Làm nhà hướng nam để đón gió mát, tránh gió đông bắc; đào ao trước nhà, “trước trồng cau, sau trồng chuối”, mô hình “vườn - ao - chuồng” ở nông thôn, tự cân bằng chất thải, thực chất là công trình xanh, hay kiến trúc xanh.

Chúng ta không hoài niệm những cái cổ xưa, nhưng dù sao cũng là bài học quý giá mà cha ông để lại. Khi xã hội phát triển, đô thị hóa quá nhanh đã phá vỡ không gian ở các vùng nông thôn, nhất là vùng ven đô; thậm chí còn phá vỡ cả những khu vực được quy hoạch hẳn hoi trong nội thị như khu vi-la, khu công chức là những nơi được coi có kiến trúc xanh; nhà ở thành khách sạn… có mật độ xây dựng rất cao; một lô đất biệt thự nay được phân thành ba lô đất nhà ở liền kề…

 

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong đó có kiến trúc xanh đã và đang trở thành một trong những đòi hỏi cấp bách hiện nay, góp phần tạo dựng môi trường sống có chất lượng cao hơn; thời “ăn chắc, mặc bền” qua rồi, nay đến “ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà sang” đó là xu thế tất yếu của thời đại.

Công trình xanh là tế bào của đô thị xanh

Kiến trúc xanh làm cho đô thị thêm xanh, cần phải tạo lập được cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình với môi trường xung quanh; khai thác và phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho đời sống của con người như kênh rạch, sông ngòi, ruộng đồng… Đó là những yếu tố tự nhiên mà đô thị Tuy Hòa được thiên nhiên ban tặng.

Kiến trúc xanh còn là công trình sử dụng tài nguyên, năng lượng có hiệu quả nhất; giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, sử dụng tài nguyên đất đai tiết kiệm, khai thác nguồn vật liệu sẵn có của địa phương. Kiến trúc xanh là công trình có chất lượng trong nhà phải đảm bảo an toàn, vệ sinh và tiện nghi, sử dụng hiệu quả tối đa công trình, kể cả thiết bị nội ngoại thất, không thiếu và cũng không dư thừa; to và hoành tráng không phải là tiêu chí để đánh giá công trình có kiến trúc xanh.

Công trình kiến trúc xanh phải tiên tiến, có bản sắc, kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc riêng cho từng vùng miền, phù hợp với điều kiện khí hậu và địa hình tự nhiên; kiến trúc xanh phải luôn hướng đến xây dựng, tạo lập một xã hội nhân văn hơn, nhất là môi trường vệ sinh và an ninh đô thị.

Tuy Hòa thuộc chuỗi đô thị Duyên hải Nam Trung Bộ có số ngày nắng nóng nhiều trong năm. Để thành phố là đô thị xanh, trong mỗi công trình công cộng cần phải được quan tâm hơn đến quy hoạch cây xanh, tăng tỉ lệ đất trồng cây xanh; hạn chế san nền, bê tông sân vườn, đường nội bộ, sử dụng kính trang trí mặt tiền công trình.

Thay đổi tư duy về quy hoạch các khu nhà ở lâu nay từ quy hoạch nhà ở lô phố sang nhà ở vi-la nhỏ có vườn; lô đất rộng 5m sâu 25m cho loại nhà liền kề sang rộng 8m sâu 16m để có thể xây dựng nhà ở dạng vi-la nhỏ, có sân, có vườn trồng cây xanh, nhà mở được cửa sổ ra hai bên, thông thoáng tự nhiên; mỗi nhà là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc.

Công trình sử dụng vật liệu địa phương như gạch đất nung, đá chẻ, đá cuội, gỗ, thân cây dừa và nhiều loại vật liệu khác để trang trí nội ngoại thất, những loại vật liệu trên dễ gia công, rẻ tiền, lại gần gũi với con người Việt Nam. Màu sắc bên ngoài không dùng màu đỏ, màu đen, màu có độ phản quang lớn, gây khó chịu nhức mắt khi đi trên đường phố; trồng nhiều cây xanh trong sân vườn, trên mái nhà, trên ban công, khu lộ thiên trong nhà… Không sử dụng vật liệu trái ngược với kiến trúc xanh, trang trí quá lạ gây phản cảm khó chịu, kể cả các pa nô, bảng hiệu quảng cáo gắn trên mặt tiền của nhà; một công trình có kiến trúc xanh, là một tế bào xanh, làm cho đô thị thêm xanh.

TP Tuy Hòa đang phát triển mạnh nhà cao tầng: Nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại; đây thuộc loại kiến trúc hiện đại, không chỉ là điểm nhấn cho đô thị, mà còn tiết kiệm đất xây dựng. Nhà cao tầng có tuổi thọ cao, là nơi sống và làm việc của rất đông người; vì vậy công trình xanh, kiến trúc xanh phải được đặt lên hàng đầu đối với các công trình này. Bởi kiến trúc xanh đang là xu thế của các đô thị hiện đại.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG
(Báo điện tử Phú Yên)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google