Phát triển công trình xanh ở Việt Nam (kỳ 1)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Công trình xanh là gì?

Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng là gì? Thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhận thức về Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng còn nhiều hạn chế. Nhiều người cho rằng Công trình xanh là tòa nhà có nhiều “cây xanh”, và công trình hiệu quả năng lượng là công trình tiết kiệm năng lượng. Sự hạn chế về nhận thức dẫn đến cách hiểu chưa đúng, chưa chính xác về Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng, chưa có sự quan tâm đúng mức và chưa có những cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển các loại hình công trình này.

Theo định nghĩa của Hội đồng Công trình xanh thế giới, “Công trình xanh là tòa nhà, trong quá trình thiết kế, xây dựng hoặc vận hành, làm giảm hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực và có thể tạo ra các tác động tích cực đến khí hậu và môi trường tự nhiên. Công trình xanh bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta”.

Từ đó, để được đánh giá và công nhận Công trình xanh, tòa nhà cần phải đáp ứng các yêu cầu: (i) Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; (ii) Sử dụng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời, gió…; (iii) Có biện pháp giảm ô nhiễm và chất thải, tái sử dụng chất thải; (iii) Đảm bảo chất lượng môi trường không khí bên trong nhà; (iv) Sử dụng vật liệu xây dựng bền vững, không phát thải chất độc hại; (v) Các yếu tố về môi trường được xem xét trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành; (vi) Chất lượng sống của người sử dụng được xem xét trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành tòa nhà; (vii) Thiết kế tòa nhà phải có khả năng thích ứng với sự thay đổi về môi trường.

Thực tiễn của thế giới và Việt Nam cho thấy, hoạt động xây dựng đô thị và các tòa nhà trong đô thị đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, môi trường tự nhiên, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề. Tốc độ đô thị hóa càng lớn, các ảnh hưởng tiêu cực nói trên càng lớn. Do đó, xu thế xây dựng các đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh đang trở thành chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam cũng cho thấy, Công trình xanh mang lại nhiều lợi ích: (i) Tiết kiệm được 40% – 50% năng lượng điện; (ii) Tiết kiệm 20% - 30% nước sinh hoạt; (iii) Chất lượng cuộc sống, sức khỏe, năng suất lao động của con người trong tòa nhà tăng lên đáng kể; (iv) giảm phát thải khí nhà kính; (v) có lợi cho hoạt động kinh doanhNgoài hoạt động phát triển Công trình xanh, tòa nhà đáp ứng các yêu cầu về sử dụng năng lượng và được chứng nhận Công trình hiệu quả năng lượng (dán nhãn năng lượng) cũng giữ vai trò quan trọng trong chính sách tiết kiệm năng lượng của quốc gia. Tòa nhà được xem như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt và chúng cũng được dán nhãn năng lượng như đối với các thiết bị sử dụng điện. Nếu chúng ta biết rằng, năng lượng điện sử dụng trong các tòa nhà phục vụ cho ở, dịch vụ, thương mại chiếm gần 40% tổng năng lượng điện quốc gia thì việc phát triển Công trình hiệu quả năng lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Tại Việt Nam, qua kết quả nghiên cứu của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (EECB, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ Bộ Xây dựng) cho thấy: (i) Nếu chỉ tuân thủ các yêu cầu tối thiểu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, tòa nhà có thể tiết kiệm được 10% - 25% so với phương thức xây dựng truyền thống; (ii) Nếu có giải pháp kỹ thuật hợp lý trong thiết kế, xây dựng và vận hành, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng có thể giảm đến 50%, vượt yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; (iii) Nếu xem xét đến các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu, nước, xem xét yếu tố môi trường, chất lượng không khí trong nhà, công trình có thể đạt được các chứng nhận Công trình xanh.
 
Nguyễn Thị Hằng
 

 
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google