Kỳ I: Định mức năng lượng và kinh nghiệm quốc tế

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Theo nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP)[1], hơn 50% các tòa nhà xây dựng mới trên toàn thế giới tập trung tại khu vực châu Á và chiếm hơn 25% tổng nhu cầu năng lượng của châu Á, trong đó các tòa nhà hiện hữu sử dụng nhiều năng lượng nhất và cũng phát thải nhiều khí nhà kính (KNK).

Theo đánh giá của các chuyên gia, sử dụng công cụ Định mức năng lượng cho các tòa nhà khách sạn, văn phòng, thương mại, bệnh viện… ở Philipines, Thái Lan, Việt Nam tiết kiệm được 540 triệu GJ năng lượng, cắt giảm 7,9 MMtCO2e khí nhà kính (tương đương trồng 202 triệu cây xanh) ở khu vực Đông Nam Á trong 05 năm.

Điều đó giải thích vì sao Định mức năng lượng các tòa nhà là công cụ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á.

Tại Indonesia, việc đẩy mạnh hệ thống Định mức năng lượng và dán nhãn hiệu quả năng lượng cho hơn 1000 khách sạn đã tiết kiệm hàng năm được 533 triệu kWh điện, 38 triệu USD, cắt giảm 381.000 MMtCO2e khí nhà kính (tương đương lắp đặt 105 tua bin gió).

Vậy Định mức năng lượng tòa nhà (Building Energy Benchmarking) là gì?. Hệ thống Định mức năng lượng tòa nhà đưa ra giá trị đại diện năng lượng sử dụng (kWh/m2/năm) của các loại tòa nhà cùng loại, dùng để đánh giá hiệu quả năng lượng thực tế của các tòa nhà. Sử dụng Định mức năng lượng tòa nhà, có thể so sánh hiệu quả năng lượng của tòa nhà, thiết bị công trình sử dụng điện của công trình cùng loại và cùng điều kiện tự nhiên. Đây là công cụ hết sức hiệu quả để quản lý sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, đồng thời là cơ sở để so sánh, đánh giá và phân hạng hiệu quả năng lượng khi chứng nhận các công trình hiệu quả năng lượng (dán nhãn năng lượng).

Có một số phương pháp phổ biến xây dựng Định mức năng lượng tòa nhà: (i) Hệ thống tính điểm (Point-based system) dựa trên bảng kiểm (Checklist); (ii) So sánh thống kê (Statistical comparison); (iii) Mô phỏng năng lượng (Energy simulation). Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu đã ban hành tiêu chuẩn EN 16231:2012 Energy Efficiency Benchmarking Methodology (Phương pháp luận Định mức hiệu quả năng lượng)[2].
 
Để thực hiện thiết lập Định mức năng lượng tòa nhà, có thể có các công cụ hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật quá trình khảo sát, phân tích và thiết lập Định mức năng lượng cho các loại tòa nhà khác nhau. Ví dụ như: Tabula, Episcope, Mure… (châu Âu); Energy Star Portfolio Manager, CBECS, ASHREA 100 (Hoa Kỳ); National Energy Benchmarking Framework (Canada)…

 

Hội thảo tham vấn phương pháp luận xây dựng định mức năng lượng do dự án EECB hỗ trợ
 
Dự án “Nâng cao hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (EECB, do GEF, UNDP tài trợ Bộ Xây dựng 2016-2021) đã tổ chức hoạt động thống nhất về phương pháp luận khảo sát, xây dựng Định mức năng lượng tòa nhà, tổ chức khảo sát, phân tích dữ liệu các tòa nhà Văn phòng, Khách sạn, Trung tâm thương mại tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh (đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam) và thiết lập Định mức năng lượng cho các loại tòa nhà điển hình. Đây là lần đầu tiên vấn đề xây dựng Định mức năng lượng được các chuyên gia của Việt Nam và quốc tế phân tích, thảo luận và đi đến thống nhất về phương pháp luận, hình thành được cơ sở dữ liệu ban đầu về sử dụng năng lượng của các tòa nhà, đồng thời thiết lập được Định mức năng lượng cho các loại tòa nhà điển hình.
 
Nguyễn Thị Hằng
 

[2] Tiêu chuẩn này đã được dự án EECB tổ chức chuyển dịch và trình ban hành thành Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN).
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google