Hội thảo Dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng – Kinh nghiệm quốc tế và Vương quốc Anh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Ngày 24/02/2022 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tổ chức Hội thảo “Dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng – Kinh nghiệm quốc tế và Vương quốc Anh” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo thu hút sự quan tâm của trên 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các địa phương; các viện nghiên cứu, hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, phân phối VLXD; các tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài.
 
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, học tập kinh nghiệm của quốc tế và của Vương quốc Anh về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng (VLXD); Đề xuất định hướng cho Việt Nam trong việc thúc đẩy dán nhãn năng lượng cho VLXD; Trao đổi, thảo luận về những vướng mắc cần tháo gỡ và kề hoạch hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Công ty ARUP về dán nhãn năng lượng cho VLXD.
 
Ông Nguyễn Công Thịnh cũng cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng như Nghị định hướng dẫn quy định rất rõ các đối tượng, phương tiện, thiết bị phải yêu cầu dán nhãn năng lượng. Quá trình này rất thành công trong những năm qua đối với các nhóm thiết bị máy móc công nghiệp, động cơ, phương tiện giao thông, đặc biệt là nhóm thiết bị gia dụng sử dụng điện cho các hộ gia đình thì việc sử dụng nhãn năng lượng rất phổ biến. Tuy nhiên, đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng việc dán nhãn năng lượng còn rất hạn chế. Chỉ có thể thấy một số sản phẩm về kính low e, kính tiết kiệm năng lượng được dán nhãn của nhà sản xuất, còn phần lớn các sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trên thị trường đều chưa được dán nhãn năng lượng. Trong khi đó, việc sản xuất, phân phối, sử dụng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng mức sử dụng năng lượng và giá trị sản xuất ngành Xây dựng. Và, nội dung Quyết định số 280 ngày 13/03/2019 đặt mục tiêu đến năm 2030, dán nhãn năng lượng cho 50% vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt sử dụng trong công trình.


Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh, ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết, trước những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại COP26 với mục tiêu đưa phát thải dòng về 0 vào năm 2050, Vương quốc Anh mong muốn hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu cam kết đầy tham vọng này. Vương quốc Anh là một trung tâm quốc tế về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyên môn xanh. Về công trình xanh, Vương quốc Anh cũng đã có chuyên môn trong toàn bộ vòng đời của công trình từ quy hoạch đến thiết kế, tư vấn, kỹ thuật, quản lý dự án, xây dựng, vận hành, duy tu bảo hành… Chính sách của Chính phủ Anh quốc công bố các quy định mới nêu rõ những công trình nhà ở mới xây dựng phải giảm phát thải CO2 30% so với các tiêu chuẩn hiện nay, các công trình xây dựng mới như văn phòng, nhà hàng, cửa hàng giảm 27%. Ông Marcus Winsley đồng thời giới thiệu ARUP - một Công ty hàng đầu của Vương quốc Anh trong lĩnh vực xây dựng với các cam kết phát triển bền vững, các chuyên gia của ARUP sẽ chia sẻ nhiều nội dung hữu ích trong lĩnh vực phát triển xây dựng xanh.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe tham luận về Hiện trạng khung chính sách, quy định kỹ thuật và thực tiễn áp dụng đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng ở Việt Nam (Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng) và các tham luận của Công ty ARUP: Dán nhãn xanh cho vật liệu xây dựng –các loại sản phẩm dán nhãn; Các quy định, chính sách, cơ quan đánh giá, chứng nhận, dán nhãn của Anh quốc và các nước trên thế giới; Các khó khăn và kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả việc dán nhãn xanh cho vật liệu – kinh nghiệm từ Anh quốc; Các loại vật liệu, thông số dán nhãn, tiêu chuẩn thử nghiệm, đánh giá, quy trình dán nhãn…

Hội thảo được tổ chức tại thời điểm mà việc triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở Việt Nam và ngành Xây dựng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Các bài trình bày tại Hội thảo và phần thảo luận với nhiều câu hỏi đặt ra cho giảng viên rất hữu ích và sát với thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh đang bắt đầu có một số sản phẩm cần dán nhãn năng lượng để đưa vào sử dụng trong các dự án công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Bên cạnh những nội dung đã trao đổi tại hội thảo và được thảo luận, giải đáp, một số nội dung rộng hơn phạm vi hội thảo như yêu cầu năng lực phòng thử nghiệm đánh giá, dán nhãn năng lượng, quy định về thừa nhận lẫn nhau đối với nhãn năng lượng của các nước, các nội dung về đánh giá vòng đời sản phẩm… được một số đại biểu đặt ra. Các nội dung này có thể được xem xét đưa vào giới thiệu, trình bày, trao đổi thảo luận tại các cuộc hội thảo chuyên đề khác.
PV.
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google