Công trình xanh cho hiện tại và tương lai

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Theo các chuyên gia, giải pháp công trình xanh để thích ứng, giảm nhẹ, bảo đảm khả năng xoay chuyển linh hoạt trước các tác động của biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu của ngành xây dựng nhằm đáp ứng được các giá trị về kinh tế, văn hóa, công nghệ và chất lượng cuộc sống trong hiện tại cũng như tương lai.

ct-xanh.jpg
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (quận Bắc Từ Liêm) - một trong những công trình xanh tiêu biểu tại Hà Nội. Ảnh: VGBC


Thị trường công trình xanh chậm phát triển

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, xây dựng những mô hình công trình xanh với những giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu hiện đại là mong muốn của nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương lại là khoảng trống lớn. Cũng vì thế, việc hiện thực hóa những công trình xanh đang gặp nhiều trở ngại.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 4-2024, số lượng công trình xanh trên cả nước mới chỉ đạt được khoảng trên 400 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu mét vuông. Đề cập đến hạn chế trong phát triển công trình nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Vinh (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho rằng, ở trong nước đã xuất hiện các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công trình xanh nhưng vẫn chưa có những chính sách và giải pháp quyết liệt để thúc đẩy. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam chậm phát triển.

Việc thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn hay khuyến khích gì từ các cơ quan có thẩm quyền. Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá nào được cơ quan quản lý chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý công trình xanh. Hơn nữa, nhận thức về công trình xanh vẫn còn chưa chính xác, hầu hết công trình xanh đều được mọi người hiểu nghĩa là nhiều cây xanh. Trong khi công trình xanh còn là đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu..., không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại...

Nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, cùng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy phát triển công trình xanh trong cả nước.

Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo “Chiến lược quốc gia về phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, sẽ có 40% công trình xây bằng vốn ngân sách nhà nước và 30% công trình xây bằng vốn tư nhân đạt tiêu chí xanh, mức tiêu thụ năng lượng đến năm 2030 giảm tiếp 5-10% so với năng 2020. Đồng thời, Bộ cũng tiến hành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho phát triển công trình xanh, làm rõ trong hệ thống pháp luật các khái niệm, thuật ngữ công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, các chuyên gia kiến nghị cần bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đối với các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với những khu dân cư hiện hữu, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải thấp...

Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Thị Bích Thuận cho rằng, công trình xanh là vấn đề địa phương nên không thể áp dụng máy móc mà cần có một hệ thống đánh giá để ứng dụng cụ thể. Hệ thống đánh giá này phải được xây dựng rõ ràng, lấy phương thức định lượng để kiểm tra hiệu quả, đồng thời đưa ra thị trường những hạn chế và quy định, thúc đẩy nghiên cứu các yếu tố môi trường trong quá trình thiết kế, vận hành, quản lý và bảo vệ, hướng kiến trúc phát triển trên quỹ đạo tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, cần phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ về các giải pháp thiết kế và xây dựng công trình xanh phù hợp với điều kiện nước ta. Rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên. Một số công việc khác cần làm là thúc đẩy công trình xanh ở khu vực đầu tư công như khuyến khích việc tiên phong trong xây dựng các công trình vốn nhà nước đạt tiêu chí công trình xanh. Xây dựng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan đến tài chính thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân trong thực hiện công trình xanh.

Bảo Hân  (Báo Hà nội mới)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google