Hội thảo góp ý kiến cho Đề án phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả đến năm 2030
Ngày 29/9/2021, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo lần thứ nhất Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả đến năm 2030. Đại diện Bộ Xây dựng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Nguyễn Công Thịnh chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Với sự hỗ trợ của dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam – Dự án EECB Bộ Xây dựng, Hội thảo được tổ chức theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Xây dựng một số địa phương, các tổ chức, chuyên gia, khách mời trong nước, quốc tế.
Trình bày các dự thảo, TS. Nguyễn Trung Hòa – cố vấn cấp cao của Dự án EECB cho biết, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, việc phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả ngày càng được chú trọng, đặt ở vị trí ưu tiên trong các chiến lược xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Nếu như công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả đã được xây dựng từ lâu trên thế giới, thì loại công trình này nhìn chung còn khá mới mẻ đối với nước ta, cần sự chung tay hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội.
Theo TS. Nguyễn Trung Hòa, Đề án phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành những nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực xây dựng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự thảo Đề án nêu lên những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện bao gồm: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, các cơ chế huy động nguồn lực tài chính hỗ trợ phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Chương trình phát triển, chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Nghiên cứu, sản xuất và áp dụng sản phẩm vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng; Nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thiết kế, thẩm định thiết kế, xây dựng và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu trong lĩnh vực xây dựng và vận hành tòa nhà; Xây dựng quy trình, nội dung và các chỉ tiêu giám sát, đánh giá hiệu quả của Đề án.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng Bình Định, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế đánh giá cao nội dung và chất lượng của các dự thảo, cho rằng, đề án đã nêu bật được các nhiệm vụ và giải pháp cần thiết nhằm đưa công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án.
Theo ThS. Nguyễn Sơn Lâm - Viện Khoa học công nghệ và xây dựng (Bộ Xây dựng), các nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng trong dự thảo Đề án cần sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên, phần tổ chức thực hiện nên nêu rõ đơn vị chủ trì, tiến độ thực hiện và các sản phẩm cụ thể; PGS.TS. Phạm Thúy Loan - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, dự thảo Đề án cần có quy định việc công khai mức tiêu thu năng lượng của các công trình, để đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượn, làm cơ sở để xây dựng các giải pháp phù hợp trong quản lý, tiết kiệm năng lượng, đồng thời chú trọng phát triển dự án, chương trình thí điểm về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Đại diện các tổ chức quốc tế như IFC, GIZ cho biết thêm, Việt Nam cần chú trọng xây dựng khung pháp lý về công trình xanh, xanh hóa các công trình đầu tư công và có các hoạt động biểu dương, tổ chức các giải thưởng về công trình xanh, đưa thêm chỉ tiêu số m2 sàn xây dựng được xanh hóa trong từng giai đoạn, cơ chế tài chính và nguồn lực thực hiện Đề án…
Ông Nguyễn Công Thịnh phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh bày tỏ sự cảm ơn các đại biểu, chuyên gia đã tham dự và góp nhiều ý kiến cho dự thảo Đề án, Ban soạn thảo Đề án sẽ nghiêm túc, nghiên cứu và tiếp thu. Ông Nguyễn Công Thịnh cũng cho biết, trong thời gian tới, Dự thảo Đề án sẽ tiếp tục được hoàn thiện, xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2022.
Nguyễn Thị Hằng