Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị hướng tới mục tiêu cấp chứng nhận công trình xanh
Ngày 24/6/2021, tại Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, Gia Lâm, Hà Nội, Đoàn công tác của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) và Ban quản lý Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (Dự án EECB) đã tiến hành kiểm tra thực địa và nghe đơn vị tư vấn báo cáo đánh giá sơ bộ về khả năng đạt chứng chỉ công trình xanh của công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam. Đây là dự án được triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án EECB trong thí điểm áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiệu quả năng lượng, hướng tới mục tiêu xây dựng và vận hành công trình xanh.
Công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện
Báo cáo với Đoàn công tác, Ông Bùi Hồng Huế - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị cho biết, công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam được xây dựng trên lô đất có diện tích 2.580m2, quy mô cao 05 tầng, diện tích xây dựng 903,2 m2, tổng diện tích sàn 3.875m2, được khởi công năm 2018, đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2021. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật về giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, Dự án EECB còn hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống đo lường và giám sát năng lượng cho công trình cũng như đánh giá sơ bộ khả năng đáp ứng tiêu chí chứng nhận công trình xanh.
Lắp đặt thiết bị đo lường hiệu quả năng lượng – hạng mục do Dự án EECB tài trợ
Kiểm tra thực địa công trình, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và môi trường Bộ Xây dựng ghi nhận những nỗ lực của Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị và Ban Quản lý dự án trong việc triển khai thí điểm dự án xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng đầu tiên của Bộ Xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công. Trong quá trình thực hiện, dự án có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, Ban quản lý dự án EECB và các đơn vị liên quan. Công trình đã được tích hợp nhiều giải pháp kỹ thuật công trình xanh, tiết kiệm năng lượng như: sử dụng các lam, tấm chắn nắng ở mặt đứng công trình, trồng cây xanh trên các ban công; sử dụng kính chất lượng cao (SHGC thấp, độ truyền ánh sáng cao), vật liệu xây dựng xanh chất lượng cao (gạch nhẹ AAC, terracotta, vật liệu tái chế), pin năng lượng mặt trời và tua bin gió để sản xuất điện, công nghệ bê tông hoạt hóa CCA và làm lạnh sàn, dùng năng lượng địa nhiệt để làm mát… Bên cạnh đó, công trình còn được thiết kế hệ thống thu hồi nước mưa để sử dụng cho bồn cầu, vệ sinh, tưới cây và các mục đích khác.
Kiểm tra công trình trên thực địa
Theo báo cáo của tư vấn đánh giá sơ bộ theo các tiêu chí công trình xanh của hệ thống chứng nhận công trình xanh LOTUS và EDGE, về cơ bản công trình có thể đạt được chứng nhận LOTUS hạng Vàng hoặc chứng nhận EDGE Nâng cao nếu có thể chứng minh được sự đáp ứng về hiệu quả sử dụng năng lượng tối thiểu và thiết bị sử dụng nước hiệu quả, cũng như hoàn thiện các tài liệu bổ sung liên quan đến vận hành tòa nhà. Đại diện các đơn vị cấp chứng chỉ cũng đã có các ý kiến đóng góp về nội dung báo cáo của Tư vấn và trả lời làm rõ về điều kiện và các loại chi phí cần thiết cho việc cấp chứng chỉ công trình xanh.
Tư vấn báo cáo việc đánh giá sơ bộ công trình theo các tiêu chí chứng nhận công trình xanh
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh đề nghị Tư vấn và Dự án EECB làm việc cụ thể với các đơn vị cấp chứng chỉ công trình xanh để có câu trả lời về các giải pháp kỹ thuật, hồ sơ cần bổ sung và kinh phí cần thiết để được công nhận công trình xanh cho công trình Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn, công trình này sẽ là một ví dụ sinh động về việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật xanh, hiệu quả năng lượng, phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu thực tiễn của cán bộ, sinh viên của nhà trường cũng như của cả ngành Xây dựng trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Hằng