Giải pháp sử dụng bơm nhiệt trong HQNL trong các công trình tòa nhà

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Bơm nhiệt (Heat pump)  trong giai đoạn gần đây đã được biết đến và áp dụng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp và dân dụng trong việc nâng cao hiệu quả gia nhiệt nước cấp và làm lạnh nước tuần hoàn. Với nguyên lý làm lạnh và gia nhiệt của hiệu ứng nhiệt do chuyển pha của các dung môi lạnh nên hiệu quả cung cấp và lấy nhiệt từ môi trường nước cần cấp/giảm nhiệt độ có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các biện pháp dùng đốt nóng trực tiếp (điện trở / lò hơi). Đối với lĩnh vực công trình xây dựng tòa nhà, bơm nhiệt đã được sử dụng rộng rãi trong các tòa nhà (nhất là trong các khách sạn) và chứng minh được hiệu quả năng lượng.

Trong khuôn khổ hợp phần 3 về trình diễn và nhân rộng giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng trong Ngành xây dựng tại 22 công trình mới và công trình cải tạo của dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại việt nam” (Dự án EECB), đã có 03 tòa nhà áp dụng giải pháp này. Số liệu ghi nhận từ các hoạt động đo lường và thẩm tra tiêu thụ năng lượng trước và sau triển khai giải pháp cho thấy, mức tiết kiệm đến 60% năng lượng cho hệ thống nước nóng. Thời gian hoàn vốn trong vòng 2 năm.

Thông số kỹ thuật yêu cầu trong QCVN 09:2017/BXD về thiết bị gia nhiệt nước nóng là quy đinh về hiệu quả làm lạnh (COP). Trên cơ sở yêu cầu nhiệt của tòa nhà (nhiệt độ làm việc của dàn nóng và dàn lạnh) có thể cung cấp nhiệt cho hệ thống cấp nước nóng và làm lạnh gió/nước lạnh của hệ thống điều khòa không khí. Việc tận dụng được hiệu ứng nhiệt của bơm nhiệt cho hệ thống điều hòa không khí và gia nhiệt nước sẽ làm yêu cầu về chỉ số COP tối thiểu tăng từ 3.0 lên đến 5.0.

Tuy nhiên, mức độ áp dụng ở các tòa nhà vẫn còn có thể được cải thiện khi các yếu tố về chi phí đầu tư có thể giảm xuống với việc có nhiều nhà cung cấp thiết bị bơm nhiệt. Nguyên lý hệ thống không phức tạp để các đơn vị tư vấn và thi công giải pháp có thể làm chủ, nên giải pháp có thể được áp dụng tương đối thuận lợi cho các công trình được thiết kế, xây dựng mới. Việc triển khai giải pháp cho các tòa nhà hiện hữu thì cần nhà thầu có nhiều kinh nghiệm để hạn chế tác động đến các hệ thống khác đang vận hành trong tòa nhà, cũng như không ảnh hưởng đến cư dân/người trong tòa nhà.
Nguyễn Hằng
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google