Năng lượng đóng vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng ngành, lĩnh vực. Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng nhanh, do đó, chúng ta cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, gia tăng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất năng lượng, tăng lượng phát thải khí nhà kính…
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12) được Quốc hội thông qua năm 2010 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như: Nghị định số 21/2011/NĐ - CP và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật, là khung pháp lý căn bản đưa ra các yêu cầu quy định để quản lý, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Xây dựng.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ - TTg ngày 25/9/2012, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris của Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, phát triển các công trình xanh, khu đô thị xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm nhẹ các tác động đến biến đổi khí hậu.
Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi là Nghị quyết số 55 - NQ/TW) cũng đưa ra các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị trong việc phát triển ngành Năng lượng Việt Nam, bao gồm cả việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 - NQ/TW, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ - CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi là Nghị quyết 140/NQ - CP). Trong đó, Bộ Xây dựng được giao thực hiện các nhiệm vụ chính như sau:
- Nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về tiêu hao năng lượng trong các tòa nhà.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
- Nghiên cứu xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
- Tiếp tục hướng dẫn triển khai việc thực hiện các quy định của QCVN 09:2017/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đại học FPT là một trong những công trình xanh độc đáo của Việt Nam
Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (sau đây viết tắt là Quyết định số 280/QĐ - TTg) đặt mục tiêu giai đoạn 2019 - 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng, giai đoạn 2025 - 2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia của giai đoạn 2015 - 2018.
Triển khai thực hiện các văn bản nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 1677/QĐ-BXD ngày 30/12/2020 phê duyệt Kế hoạch triển khai các nội dung, nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn từ năm 2020 - 2030 thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng tập trung vào 03 lĩnh vực chính: công trình xây dựng dân dụng, cơ sở sản xuất ngành Xây dựng và chiếu sáng công cộng. Các mục tiêu, nội dung trong Kế hoạch của Bộ Xây dựng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 bám sát mục tiêu, nội dung của Quyết định số 280/QĐ - TTg và các văn bản liên quan:
- Triển khai việc thực hiện các quy định của QCVN 09:2017/ BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
- Xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
- Thúc đẩy việc đổi mới công nghệ, cải tạo, tăng cường hiệu quả năng lượng trong các cơ sở sản xuất ngành Xây dựng, các công trình xây dựng và chiếu sáng công cộng.
- Giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân so với giai đoạn 2015 - 2018 đối với ngành xi măng (tối thiểu 7,5% giai đoạn đến năm 2025; tối thiểu 10,89% giai đoạn đến năm 2030).
- Mục tiêu đến 2025: Đạt được 80 công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh.
- Mục tiêu đến năm 2030: Đạt được 150 công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh.
- Mục tiêu đến năm 2030: Dán nhãn năng lượng cho 50% vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt sử dụng trong công trình.
Trụ sở VSIP Nghệ An đạt Chứng nhận Công trình xanh LOTUS Gold
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế và dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (dự án EECB - Bộ Xây dựng) để triển khai các nội dung nhiệm vụ sau:
1. Xây dựng các quy định về khuyến khích công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Nghị định 15/2021/NĐ - CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định 09/2021/NĐ - CP về Quản lý vật liệu xây dựng...
2. Nghiên cứu soát xét, bổ sung, chỉnh sửa, biên soạn các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên như: QCVN 09:2017/BXD, QCVN 16:2019/BXD...
3. Nghiên cứu khảo sát, đánh giá tiêu thụ năng lượng một số loại hình công trình xây dựng theo quy mô và vùng miền, xây dựng dự thảo định mức sử dụng năng lượng các loại hình công trình này để trình Bộ Xây dựng xem xét công bố.
4. Hỗ trợ các chủ công trình mới và công trình cải tạo trong việc áp dụng các giải pháp kiến trúc, lựa chọn vật liệu và thiết bị cơ điện nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của QCVN 09:2017/ BXD. Trong khuôn khổ dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) giai đoạn 2014 - 2017 đã hỗ trợ được 11 công trình mới và cải tạo, dự án của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) giai đoạn 2012 - 2017 cũng đã hỗ trợ được 03 công trình mới và dự án EECB đã hỗ trợ được 09 công trình mới và 14 công trình cải tạo.
5. Tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức và kỹ năng cho các đối tượng có liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển công trình xanh.
Tòa nhà Văn phòng Công ty CONINCO, Hà Nội.
Trong thời gian tới, cùng với các hoạt động đang triển khai, Bộ sẽ mở rộng thêm các nội dung nhiệm vụ sau:
(1) Tổ chức soát xét, bổ sung, chỉnh sửa QCVN 09:2017/ BXD và đưa vào nội dung của Quy chuẩn về Nhà ở và công trình công cộng, dự kiến ban hành trong năm 2022.
(2) Xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng, bao gồm cả dữ liệu tiêu thụ hiện trạng và việc công bố định mức tiêu thụ năng lượng một số loại hình công trình, để các chủ công trình có căn cứ tham chiếu và cải thiện hiệu quả năng lượng của công trình. Nghiên cứu xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các loại hình công trình khác ngoài 6 loại hình đã được dự án EECB nghiên cứu.
(3) Thúc đẩy việc đánh giá, chứng nhận sản phẩm, vật liệu xây dựng xanh thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
(4) Nghiên cứu xây dựng Đề án của Chính phủ về phát triển công trình xanh, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2022, trong đó có các cơ chế, chính sách, lộ trình thích hợp với các loại hình công trình khác nhau để phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 80 công trình, đến năm 2030 có thêm 150 công trình được chứng nhận là công trình xanh.
(5) Tiếp tục các hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực nhận thức của các đối tượng có liên quan về sử dụng hiệu quả năng lượng. Hàng năm, tổ chức định kỳ sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng và phát thải thấp.
Theo thống kê, năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực xây dựng bao gồm cả khu vực dân dụng chiếm tỷ lệ khoảng gần 40% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 7%/năm, tỷ lệ tiêu thụ điện năng tăng trưởng bình quân trong những năm qua cũng đạt khoảng từ 7 đến 10%/năm. Với tốc độ đô thị hóa tăng trung bình 1%/năm và số lượng các công trình xây dựng, các khu đô thị có quy mô lớn tăng nhanh, số lượng diện tích nhà ở, công trình thương mại, công trình công cộng được xây dựng mỗi năm khoảng trên 100 triệu m2 kéo theo lượng điện năng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng lên đáng kể hàng năm.
Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam là rất lớn với chi phí đầu tư, cải tạo cho các hạng mục liên quan đến tiết kiệm năng lượng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm xuất hiện, số lượng công trình xanh ở Việt Nam hiện mới ở mức dưới 200 công trình, quá thấp so với yêu cầu và số lượng công trình hàng năm được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đây cũng là dư địa để Việt Nam có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển các công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thỏa thuận, cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính cũng như góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững của Việt Nam.
Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ Trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng)
Nguồn: http://tapchixaydungbxd.vn/