Đầu tư cho công trình xanh – “một vốn bốn lời”

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Phát triển công trình xanh đang là xu hướng mang tính toàn cầu nhưng tại Việt Nam, từ khái niệm công trình xanh cho đến hành động vẫn còn khá mới mẻ.

 

Đầu tư cho công trình xanh – “một vốn bốn lời”. Ảnh minh hoạ: kientrucvietnam.org.vn

Phát triển công trình xanh đang là xu hướng mang tính toàn cầu, nhất là khi một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Canada… đã xem đây như là một tiêu chí và chiến lược. Tuy nhiên, tại Việt Nam, từ khái niệm công trình xanh cho đến hành động vẫn còn khá mới mẻ. 

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận xét, hành tinh xanh của chúng ta đang chịu tác động với sức nóng tăng trên toàn cầu. Cùng với biến đổi khí hậu, môi trường cũng chịu ô nhiễm nặng nề bởi chất thải của các hoạt động kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã khiến tài nguyên cạn kiệt. 

Sự thay thế màu xanh bằng bê tông, sắt thép, hệ sinh thái mất cân bằng cũng làm cho chất lượng môi trường sống suy giảm. Để góp phần cải thiện tình trạng này, phát triển công trình xanh chính là một trong những giải pháp cần được lựa chọn – ông Nam khẳng định. 

Các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều cách tiếp cận từ đơn giản đến phức tạp như trồng nhiều cây xanh, kiến trúc – vật liệu – kết cấu xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng chất thải…. Ở mỗi góc độ, các yếu tố này đều có đóng góp tích cực trong việc hình thành công trình xanh. Đặc biệt, khi tích hợp được càng nhiều giải pháp thì hiệu quả càng cao. 

Theo ông Nguyễn Trần Nam, VNREA sẽ chủ trì triển khai Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong 5 năm (2017- 2020) dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). 

Hệ thống chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của Tổ chức Tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới là hệ thống chứng chỉ tự nguyện mang tính toàn cầu, được thiết kế cho các thị trường mới nổi. Để đạt chứng chỉ EDGE, các chủ đầu tư sẽ phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu ít nhất là 20% so với một công trình điển hình. 

Trên thực tế, tiên phong xây dựng công trình xanh hiện nay vẫn còn lẻ tẻ, manh mún và tự phát, chưa tạo nên động lực phát triển thực sự do nhận thức và điều kiện thực tế. 

Bà Nguyễn Ngọc Diệp – Chuyên gia Công trình Xanh Việt Nam cho rằng, thời gian đầu, động lực thúc đẩy công trình xanh thâm nhập Việt Nam bắt nguồn từ các chương trình mang tính trách nhiệm xã hội của một vài Tập đoàn lớn như Coca-Cola Việt Nam (đồ uống), Pou Chen (sản xuất giày da)… 

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, thị trường đã chứng kiến các chủ đầu tư Việt Nam gia nhập nhóm tiên phong này như Hudland, Nam Long, Capital House…. Điều này cho thấy, công trình xanh là sản phẩm tiềm năng có thể triển khai tại thị trường Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo bà Diệp, vẫn còn nhiều rào cản hạn chế sự phát triển của công trình xanh, điển hình là việc chưa nhìn nhận đầy đủ và thiếu cơ sở của những bên liên quan về công trình xanh; đặc biệt là về chi phí xây dựng công trình xanh và khái niệm bền vững trong công trình. 

Nhiều chủ đầu tư và nhà thầu lớn cho biết, trước đây, các đơn vị và chuyên gia thường tư vấn là muốn làm công trình xanh sẽ tăng chi phí từ 20-30% nên họ thường không muốn tìm hiểu thêm. Thế nhưng, khi được hỏi về nguồn gốc của các con số này thì hầu hết các bên đều không dẫn chứng được cũng như chưa có kinh nghiệm tham gia bất kỳ một dự án xanh nào – bà Diệp chia sẻ. 

Chính những thông tin “trôi nổi” cùng với việc giới hành nghề xây dựng trong nước còn chưa được tiếp cận rộng rãi với các khái niệm, kỹ năng, công nghệ về thiết kế và xây dựng công trình xanh cũng khiến cho việc phát triển dòng sản phẩm này gặp không ít khó khăn ở giai đoạn đầu. 

Mặc dù vậy, trong khi nhiều chủ đầu tư còn đang trông cậy vào các ưu đãi của chính quyền thì một số khác đã nhìn ra lợi ích thương mại của công trình xanh. 

Điển hình như công trình President Place tại Thành phố Hồ Chí Minh – tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận LEED Vàng 2012 (hệ thống chuẩn hóa của Mỹ về các công trình xây dựng có chất lượng bảo vệ môi trường cao, được Hội đồng công trình xanh Mỹ (US Green Building Council) thiết lập vào năm 1998)đã tận dụng lợi thế của Chứng nhận công trình xanh để đạt được 80% tỷ lệ lấp trống khu vực văn phòng trong 1 năm kể từ khi hoàn thành. 

Khách hàng chọn lựa thuê ở dự án này chủ yếu đến từ các tập đoàn lớn và đa quốc gia như Microsoft, Starbucks, Sony…. Hay như tại Hà Nội, với chiến lược quảng bá khéo léo và lợi thế từ Chứng chỉ công trình xanh theo Hệ thống chứng chỉ EDGE mà chủ đầu tư Capital House đã đẩy nhanh được tốc độ bán hàng. 

Tuy nhiên, để công trình xanh phát triển bền vững thì sản phẩm này vẫn cần phải có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với nguồn cung – cầu ổn định; trong đó, nhu cầu cần phải bắt nguồn từ nhận thức của người mua, người sử dụng về những lợi ích chung mà sản phẩm này mang lại cho bản thân và gia đình. 

Về lợi thế, Tiến sỹ - Kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên – CEO Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị Xanh phân tích, kinh nghiệm cho thấy, đầu tư xây dựng công trình xanh sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư trung bình từ 3-8% so với đầu tư thông thường. 

Thế nhưng, các công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 15-30% năng lượng sử dụng, giúp giảm 30-35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30-50% lượng nước sử dụng và từ 50-70% chi phí xử lý chất thải. Không những thế, các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là tăng tuổi thọ công trình. 

Bởi vậy, nếu tính toán chi tiết, phát triển công trình xanh cho dù khoản đầu tư ban đầu có cao nhưng kết quả thu về sẽ bền vững, hiệu quả lâu dài, kiểu “một vốn bốn lời”. 

Theo tính toán của Tổ chức Tài chính quốc tế, các tòa nhà hiện đang tiêu tốn tới hơn 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở những nền kinh tế của tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam lại đang là một trong các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Đây là một trong những lý do Việt Nam trở thành thị trường đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được triển khai Hệ thống chứng chỉ EDGE. 

Lý giải về vấn đề phát triển công trình xanh chưa như kỳ vọng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta chưa quan tâm đến việc xây dựng công trình xanh để tiết kiệm năng lượng. 

Về mặt cơ chế chính sách, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn (QC) 09 nhưng phần lớn chưa được tuân thủ, việc thanh kiểm tra cũng hạn chế. Năng lực quản lý của các sở còn rất yếu, nhiều sở chưa nắm được những quy định này để cấp phép. Bên cạnh đó, mấu chốt còn nằm ở ý thức cộng đồng. 

Bởi vậy, việc nâng cao ý thức cộng đồng cũng như có những khuyến khích cụ thể cho các chủ đầu tư cần được xem một cách nghiêm túc trong thời gian tới./. 

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google