Tiềm năng phát triển năng lượng địa nhiệt tại Việt Nam

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Theo các nhà khoa học, khai thác, phát triển năng lượng địa nhiệt có hiệu quả về kinh tế cao, có khả năng thực hiện và thân thiện với môi trường… Việt Nam có tiềm năng địa nhiệt đáng kể và có thể phát triển các nhà máy điện địa nhiệt. Điều này sẽ mang lại một nguồn năng lượng mới, những cơ hội mới, nâng cao năng lực, trình độ cho các nhà khoa học, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần xây dựng nền kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng đến.


Khai thác, phát triển năng lượng địa nhiệt có hiệu quả về kinh tế cao, có khả năng thực hiện và thân thiện với môi trường…

Năng lượng địa nhiệt là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng Trái Đất. Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt Trái đất. Nguồn địa nhiệt bản thân không thể giải quyết được căn bản các vấn đề năng lượng nhưng góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Loại năng lượng này đã được khai thác và sử dụng từ những năm đầu thế kỷ 20 cho mục đích sưởi ấm, sấy nông sản, tắm thư giãn… Đến nay, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt ngày càng phát triển nhanh về quy mô và hiệu suất. Các nhà máy sản xuất điện từ địa nhiệt (cho giá thành rẻ và sạch về sinh thái) đã được xây dựng tương đối phổ biến tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, New Zealand, Nhật, Philippines, Canada, Úc…

Ông Tạ Văn Hường – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam nhận định: Nước ta được đánh giá là có tiềm năng địa nhiệt trung bình so với thế giới. Nguồn năng lượng này ở nước ta còn có ưu điểm là phân bổ đều trên khắp lãnh thổ cả nước nên cho phép sử dụng rộng rãi ở hầu hết các địa phương. Mặc dù còn nhiều thách thức về kinh tế, kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư… nhưng việc khai thác địa nhiệt tại Việt Nam đã và sẽ mở ra triển vọng khai thác, ứng dụng nguồn năng lượng hữu ích này rộng rãi vào đời sống kinh tế xã hội của đất nước, vừa giải quyết được bài toán kinh tế vừa thân thiện với môi trường…

Tại Hội thảo Địa nhiệt khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình hợp tác công nghệ quốc tế của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng một nền kinh tế xanh. Phát triển kinh tế xanh đang là xu hướng lựa chọn cho một tương lai không thảm họa, thân thiện với môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ra ở mức thấp…

Không những thế, kinh tế xanh còn giúp các nước đang phát triển đạt được các lợi ích kinh tế và xã hội về nhiều mặt như phát triển năng lượng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và các ảnh hưởng môi trường được hạn chế.

Theo thống kê, lĩnh vực sản xuất năng lượng chiếm đến 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Ở Việt Nam, con số này còn lớn hơn do khoảng 50% nguồn điện đến từ các nhà máy điện than và khí đốt.

Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo ở Việt Nam chỉ chiếm 6,28% trong các nguồn năng lượng và chủ yếu tới từ thủy điện nhỏ (chiếm đến 80%), còn địa nhiệt là 0%. Năm 2016, Việt Nam đã điều chỉnh sơ đồ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030, theo đó, công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo phải đạt đến 9,9% vào năm 2020; 12,5% vào năm 2025 và 21% vào năm 2030. Tuy nhiên, địa nhiệt chưa được nhắc đến là một trong các nguồn năng lượng tái tạo đưa vào quy hoạch.

Về tiềm năng địa nhiệt của Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học nhận định: Nghiên cứu địa nhiệt ở Việt Nam đã được quan tâm từ khá lâu, bắt đầu từ nghiên cứu các nguồn nước khoáng nóng trong các chương trình địa chất thủy văn với sự hợp tác với các chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, New Zealand, Italia… và gần đây là sự hỗ trợ của Nhật Bản trong nghiên cứu và lắp đặt hệ thống bơm địa nhiệt tầng nông. Qua các khảo sát nghiên cứu đánh giá, Việt Nam có tiềm năng địa nhiệt đáng kể và có thể phát triển các nhà máy điện địa nhiệt.

Nguồn: Linh Đan/Xây dựng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google