Ngành Xây dựng có tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng
Ngành Xây dựng là ngành tiêu thụ nhiều nhất tài nguyên và nguyên liệu thô trên toàn cầu. Theo Báo cáo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới phối hợp với Tập đoàn tư vấn Boston thực hiện năm 2016, ngành Xây dựng tiêu thụ khoảng 50% sản lượng thép của thế giới và hơn 3 tỷ tấn nguyên liệu thô mỗi năm để sản xuất các sản phẩm xây dựng. Đối với việc sử dụng năng lượng, các tòa nhà tiêu thụ khoảng 25-40% tổng lượng năng lượng toàn cầu, chiếm tỷ trọng lớn về phát thải carbon dioxide.
Ngành Xây dựng có tiềm năng lớn về tiết kiệm năng lượng thông qua các nỗ lực cải thiện chất lượng công trình xây dựng và vật liệu sử dụng, áp dụng các công nghệ xanh trong sản xuất vật liệu, cấu kiện hóa và mô đun hóa các kết cấu xây dựng, áp dụng các công nghệ thông minh trong thiết kế, thi công xây dựng các công trình, vận hành các tòa nhà… Tất cả các nỗ lực đó đều mang lại lợi ích đáng hoan nghênh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng, Việt Nam đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12), có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, quy định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực.
Trong lĩnh vực xây dựng, Luật quy định việc áp dụng các giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm giảm tiêu thụ năng lượng sử dụng cho chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm; Sử dụng vật liệu cách nhiệt phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về mức hiệu suất năng lượng; Sử dụng và lắp đặt các phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; Sử dụng hệ thống quản lý, điều khiển tự động để vận hành phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phù hợp với quy mô công trình; Lắp đặt thiết bị đo lường điện, nhiệt, thiết bị khống chế nhiệt độ trong phòng và thiết bị kiểm soát hệ thống cung cấp điện, nhiệt tại các vị trí trong toà nhà phù hợp với điều kiện thời tiết và mục đích sử dụng; Sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học trong các công trình xây dựng; Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với công trình xây dựng.
Từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2005/BXD), quy định những yêu cầu tối thiểu bắt buộc áp dụng để đảm bảo hiệu quả năng lượng cho các công trình xây dựng. Từ đó đến nay, QCVN 09 đã được nâng cấp qua các phiên bản QCVN 09:2013/BXD và nay là QCVN 09:2017, có hiệu lực từ ngày 01/6/2018, đây cũng là Quy chuẩn nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Việc áp dụng QCVN 09:2017 là bước quan trọng thúc đẩy mục tiêu năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế, xây dựng và lắp đặt thiết bị, vận hành công trình xây dựng, góp phần tiết kiệm tổng năng lượng tiêu thụ trong các công trình xây dựng. Áp dụng quy chuẩn cũng giúp chủ sở hữu, người quản lý công trình tiết kiệm năng lượng thông qua thiết kế lớp vỏ công trình, chiếu sáng, thông gió, điều hòa không khí… để giảm thiểu chi phí vận hành công trình đồng thời giảm phát thải nhà kính, giúp cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các thiết bị máy móc, công nghệ mới trong tòa nhà ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Về mặt chính sách, các cơ quan chức năng thiếu hướng dẫn, quy định, minh họa cụ thể nhằm thực hiện công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh. Việc thực hiện nội dung tiết kiệm năng lượng ở giai đoạn thiết kế còn rất hạn chế. Đặc biệt, thiếu lộ trình để các tòa nhà thực hiện, nâng cấp, áp dụng các công nghệ mới nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra tại quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD.
Đối với chủ đầu tư các công trình, nhận thức của nhiều đơn vị quản lý tòa nhà còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận, áp dụng công nghệ mới, các giải pháp tiết kiệm và công trình xanh. Nhiều ban quản lý tòa nhà chưa quan tâm tới tiết kiệm năng lượng hoặc công trình xanh do thời gian hoàn vốn dài hơn so với thông thường. Bên cạnh đó, những khó khăn về tài chính, thiếu thông tin, thiếu năng lực kỹ thuật trong thiết kế, giám sát, vận hành và quản lý các tòa nhà tiết kiệm năng lượng… cũng là những yếu tố gây trở ngại cho việc ứng dụng thiết bị máy móc, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, công trình xanh.
Trong thời gian tới, để phát huy các tiềm năng to lớn của ngành Xây dựng về tiết kiệm năng lượng, các cơ chế chính sách, pháp luật về tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện đồng bộ, với các quy định cụ thể hơn; đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, cũng như nâng cao ý thức xã hội về tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng.
Nguyễn Hằng