Ngày 10/12 tại Hà Nội, Hội thảo Thiết bị, công nghệ hiệu quả năng lượng, tài nguyên do Bộ Xây dựng tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà chuyên môn trong lĩnh vực tư vấn, xây dựng và năng lượng. Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020.
Toàn cảnh hội thảo
Theo ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng, tiết kiệm năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn 09:2017/BXD, đồng thời triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong công trình xây dựng: biên soạn, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn - quy chuẩn, triển khai các mô hình, dự án tiết kiệm năng lượng hiệu quả, tập huấn truyền thông. Mới đây, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 cũng đã có nội dung quy định về phát triển công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành một số Nghị định của Chính phủ khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình sử dụng vật liệu xây không nung. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng định mức về tiêu thụ năng lượng cho một số loại công trình liên quan đến định mức sử dụng năng lượng cho công trình xây dựng gồm có 2 phần: phần vỏ công trình và phần thiết bị sử dụng trong công trình.
TS. Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công thương Hà Nội) cho biết: thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình đã tổ chức 20 hội nghị, tập huấn tuyên truyền phổ biến Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao; phát hành 73.000 sổ tay về nhãn năng lượng, hướng dẫn hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; tổ chức trên 1.335 buổi tuyên truyền về kỹ năng lựa chọn, sử dụng trang thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình; công nhận 14.250 hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiện năng lượng tiêu biểu; hỗ trợ kỹ thuật tiết kiệm năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, đánh giá hiệu quả năng lượng cho trên 300 doanh nghiệp; xây dựng trên 40 bộ công cụ tính toán, dự báo các chỉ số chỉ tiêu hiệu quả năng lượng ứng dụng công nghệ thế hệ 4.0.
Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 5 – 7% tổng lượng năng lượng tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng xuống mức dưới 4%. Ngoài ra, 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng khai thác, sử dụng phương tiện theo hướng tiết kiệm năng lượng; 80% doanh nghiệp tại khu công nghiệp và 70% doanh nghiệp tại cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định. Thành phố cũng phấn đấu đạt 330 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn được công nhận sử dụng năng lượng xanh; tập huấn, hướng dẫn cho 5.000 lượt cán bộ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đào tạo và cấp chứng chỉ 250 - 300 cán bộ quản lý năng lượng; 60% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tham gia hội thảo, ông Yannick Millet - Chuyên gia kỹ thuật UNDP cho biết: các tòa nhà, công trình trên thế giới hiện nay sử dụng khoảng 30% năng lượng và phát thải xấp xỉ 28% khí nhà kính. Theo dự kiến, số lượng các tòa nhà, công trình xây dựng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, ước tính tăng gấp đôi sau mỗi 18 năm, khiến giá điện liên tục tăng. Do đó, trên phạm vi toàn cầu, cần phải xây dựng, thiết kế các công trình xanh; các nhà thiết kế, kiến trúc sư cần hiểu rõ vấn đề này để tối ưu hóa tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng.
Khẳng định tầm quan trọng của vỏ công trình trong việc giảm tiêu thụ năng lượng cho công trình, chuyên gia Yannick Millet cũng nhận định: trong vấn đề tiết kiệm năng lượng, yếu tố con người quan trọng hơn nhiều so với công nghệ. Theo ông, chính ý thức tiết kiệm năng lượng, chủ động áp dụng lồng ghép những giải pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho công trình, và hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam.
Đánh giá cao bước tiến vượt bậc của Bộ Xây dựng trong phát triển công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả, ông Yannick Millet đồng thời nhấn mạnh, phát triển Công trình xanh ở Việt Nam không chỉ cần nỗ lực từ Bộ Xây dựng mà cần sự vào cuộc của nhiều Bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương, sự chung tay của nhiều tổ chức và toàn xã hội. Ông Yannick Millet tin tưởng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều công trình xanh, nhiều tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Nguyễn Thị Hằng
11 - 12 - 2020
11 - 12 - 2020