Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đến quý III/2020, số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam là 155 công trình. Đây là con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Ảnh Internet
Trong chương trình Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề: “Đô thị xanh và công trình xanh” nhằm giới thiệu tổng quan thực trạng phát triển đô thị xanh, công trình xanh ở Việt Nam; gồm nền tảng pháp lý và chính sách, các số liệu thị trường, các nỗ lực nghiên cứu xây dựng các công cụ kỹ thuật cùng các dự án đô thị xanh, công trình xanh tiêu biểu tại Việt Nam.
Công trình xanh Việt Nam cần có tiêu chuẩn riêng?
Trình bày tổng quan về tình hình phát triển đô thị xanh, công trình xanh ở Việt Nam. PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho biết:
Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam đã xuất hiện và ngày càng phát triển ở nước ta. Các KTS hiện nay có nhiều sáng tạo trong thiết kế các ngôi nhà ngày càng “xanh” hơn: thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn.
Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động (không dùng thiết bị, công nghệ, mà bằng các giải pháp thiết kế thi công để cải tạo vi khí hậu). Hầu hết những ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam có dạng thiết kế thụ động, ứng phó với vấn đề khí hậu rất thông minh.
Kiến trúc gần đây có rất nhiều giải pháp vi khí hậu của các kiến trúc sư nhưng vẫn chưa mang tính chất phổ quát bởi vẫn còn dừng lại là những giải pháp cụ thể cho từng công trình nhỏ. Nhưng có những tranh luận rằng “công trình nhiều cây xanh có phải là CTX hay không? Một CTX muốn được dán nhãn, chứng nhận thì cần phải được đánh giá và cấp chứng chỉ thông qua bộ công cụ kỹ thuật như nói ở trên.
Hiện nay, thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, chưa có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ nhà nước. Nhiều công trình chứng nhận LEED tại Việt Nam, phần lớn là các nhà máy của các doanh nghiệp Mỹ hoặc các tập đoàn đa quốc gia là các CTX vì họ xem trách nhiệm môi trường là một loại đạo đức xã hội.
Chính phủ Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đánh giá chứng nhận công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. Chưa chính thức công bố bộ công cụ cụ thể cho hoạt động đánh giá chứng nhận công trình xanh. Thay vào đó thị trường đang vận động một cách tự do, tự nguyện theo bộ công cụ.
“Điều này là tốt, tuy nhiên khi đặt câu hỏi làm sao thúc đẩy thị trường một cách nhanh hơn, mạnh hơn thì chắc chắn phải giải bài toán này. Khi có một chính sách cụ thể thì đây sẽ là cơ sở để thực hiện các chính sách tiếp theo liên quan đến ưu đãi, tính toán chi phí đầu tư…. Nhà nước cần xây dựng một bộ công cụ làm khung để xã hội có thể tham chiếu”.
Trong khung chính sách CTX của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách đòn bẩy. Đó là lựa chọn bộ chứng chỉ CTX chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách.
Sau khi đánh giá, so sánh về các mặt thì đề xuất chọn bộ công cụ LOTUS do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam phát triển làm bộ công cụ cơ bản, dùng để áp dụng cho các công trình đầu tư sử dụng vốn công, và là cơ sở để tính toán ban hành các ưu đãi chi tiết. Theo đó, Nhiệm vụ cũng đề xuất với các đầu tư mới và sửa chữa lớn sử dụng vốn công, cần bắt buộc áp dụng CTX theo chuẩn LOTUS theo lộ trình. LOTUS có 4 mức độ: đạt, bạc, vàng, bạch kim.
Ths. KTS Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Cty Vilandco, đưa ra đề xuất cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh để phù hợp mục đích, điều kiện Việt Nam, tuy hiện nay Việt Nam có tiêu chuẩn cho công trình xây dựng là TC 09 – 2017. Hội Công trình xanh Việt Nam đã xây dựng bộ công cụ Lotus đánh giá công trình xanh Việt Nam. Tuy nhiên, cần nâng cấp tiêu chuẩn phù hợp hơn.
Nhà nước cần sớm ban hành các quy định, thông tư hướng dẫn để định hướng và quản lý các hoạt động về chứng nhận công trình xanh tại VN; Sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xanh và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn này; Xem xét điều chỉnh mức thiết kế phí, bổ sung chi phí tư vấn đánh giá và cấp chứng nhận công trình xanh vào định mức;
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh
Bài trình bày “Bộ tiêu chí đánh giá và hướng dẫn xanh cho các dự án ĐTM tại VN” của Ths. KTS Nguyễn Thanh Tú, Trường ĐH Xây dựng cho biết, khi xây dựng bộ tiêu chí công trình xanh cần thực hiện theo các nguyên tắc chính như tính phù hợp với các cơ sở pháp lý hiện hành, có khả năng kết nối và đảm bảo tính thống nhất với tiêu chí công trình xanh Việt Nam của VGBC, phù hợp với QCTC hiện hành; Phản ánh nội hàm xanh hay tính xanh, bộ tiêu chí sẽ giúp các dự án phát triển khu đô thị mới trong suốt vòng đời luôn đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, hạn chế tổn hại đến môi trường sinh thái góp phần tạo nên môi trường sống tốt cho con người, hình thành nên những công trình xanh phát triển bền vững.
Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ bộ tiêu chí tương tự uy tín, được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Phản ánh được đặc điểm - vấn đề nổi cộm của VN, bộ tiêu chí ưu tiên các giải pháp bền vững từ khâu quy hoạch, chú trọng vấn đề, thoát nước đô thị, ứng phó BĐKH, phát triển GTCC và môi trường tạo thói quen đi bộ, đi xe đạp, cây xanh và chất lượng không khí, khuyến khích các giải pháp tiết kiệm không tăng phí đầu tư của dự án. Tiêu chuẩn phải đảm bảo dễ áp dụng vào thực tiễn, bám sát vào quy trình và các quy định liên quan đến hồ sơ trình duyệt quy hoạch và chủ chương đầu tư và các tài liệu kỹ thuật.
Kỳ Anh (Tạp chí Xây dựng)