Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ Xây dựng cho biết, sử dụng năng lượng là một trong những nội dung ưu tiên thực hiện của Chính phủ trong thời gian qua.
Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn 09 sửa đổi lần thứ 3; đồng thời thực hiện nhiều hoạt động, từ xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, triển khai mô hình, dự án tiết kiệm năng lượng hiệu quả đến hoạt động tập huấn truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong công trình xây dựng.
Mới đây, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 cũng đã có nội dung quy định về phát triển công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, một số Nghị định của Chính phủ cũng đã có nội dung khuyến khích phát triển công trình xanh, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; trong đó có vật liệu xây không nung. “Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng định mức về tiêu thụ năng lượng cho một số loại công trình liên quan đến định mức sử dụng năng lượng cho công trình xây dựng gồm 2 phần: vỏ công trình và thiết bị sử dụng trong công trình” - ông Thịnh chia sẻ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, TS. Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công thương Hà Nội), cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng, giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 4%.
Đặc biệt, 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng khai thác, sử dụng phương tiện theo hướng tiết kiệm năng lượng; 80% doanh nghiệp tại khu công nghiệp và 70% doanh nghiệp tại cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt 330 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh...
Tham gia hội thảo, ông Yannick Millet - Chuyên gia kỹ thuật UNDP cho biết, các tòa nhà, công trình trên thế giới hiện nay sử dụng khoảng 30% năng lượng và thải ra khoảng 28% khí nhà kính.
Theo dự kiến, số lượng các tòa nhà, công trình xây dựng không ngừng tăng lên trong tời gian tới, ước tính tăng gấp đôi sau mỗi 18 năm, khiến giá điện không ngừng tăng. Do đó, cần xây dựng, thiết kế các công trình xanh; nhà thiết kế, kiến trúc sư cần hiểu rõ vấn đề này để tối ưu hóa tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng.
Chuyên gia Yannick Millet nhấn mạnh, trong tiết kiệm năng lượng, yếu tố con người quan trọng hơn nhiều so với công nghệ.
Ý thức tiết kiệm năng lượng, sự chủ động áp dụng lồng ghép những giải pháp tiết kiệm năng lượng khác nhau sẽ mang lại hiệu quả cho tòa nhà trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và hoàn thoàn có thể áp dụng tại Việt Nam.
Phát triển công trình xanh ở Việt Nam trông chờ vào nỗ lực, nhập cuộc của nhiều bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương, các tổ chức và toàn xã hội. Thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều công trình xanh, tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả./.
Thu Hằng (TTXVN)