Sự cần thiết của hệ thống đo lường và thẩm định năng lượng trong công trình
Đo lường & Thẩm định (M&V) là quá trình sử dụng các phép đo để xác định mức tiết kiệm thực tế tại một cơ sở hạ tầng do các hoạt động quản lý năng lượng mang lại. M&V thường được sử dụng khi cần thẩm định mức tiết kiệm, ví dụ như trong: (i) Dự án sử dụng năng lượng hiệu quả (EE); (ii) Các hợp đồng hiệu quả năng lượng (EPC); (iii) chương trình hiệu quả năng lượng theo quy định hoặc khi chủ sở hữu muốn thẩm định cho hạch toán nội bộ, vv…
Với vai trò như vậy của hệ thống M&V, dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại việt nam” (EECB) đã hỗ trợ triển khai đánh giá cho 100% công trình trình diễn về Hiệu quả năng lượng (HQNL), trong đó có 06 công trình được lắp đặt hệ thống M&V và 08 công trình được tiến hành các hoạt động M&V cho mức HQNL khi tham gia vào hợp phần 3 phần 3 về trình diễn và nhân rộng giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng trong Ngành xây dựng
Thông thường M&V cũng là một phần của quản lý năng lượng, với các mục đích là để tăng tiết kiệm năng lượng và cải thiện thiết kế, vận hành và bảo trì, nâng cao nhận thức cũng như giáo dục người sử dụng về HQNL, nhằm thúc đẩy các minh chứng về hiệu quả tài chính cho các dự án HQNL và hỗ trợ đánh giá các chương trình HQNL đã được áp dụng. Một số chủ công trình còn có thể sử dụng các thông tin từ hệ thống M&V để cải thiện điểm số trong Chứng nhận Công trình xây dựng xanh hoặc các hệ thống xếp hạng bền vững như LEED (Leadership in Energy & Environmental Design).
Thực tế triển khai của dự án EECB cho thấy mặc dù lợi ích và hiệu quả của M&V là rất rõ ràng, nhưng việc áp dụng cho các công trình xây dựng chưa được đánh giá cao và nhầm lẫn với vai trò của hệ thống quản lý tòa nhà (BMS). Các rào cản cho việc này chủ yếu xuất phát từ nhận thức của các đơn vị tư vấn đang còn chưa đầy đủ, khiến cho công tác tư vấn và hỗ trợ đối với các chủ công trình còn giới hạn. Bản thân các nhà thầu cơ điện và cung cấp giải pháp cũng còn chưa quen thuộc với hệ thống nên việc hiểu và triển khai được hệ thống trên thực tế còn nhiều điểm chưa tối ưu, dẫn đến việc hỗ trợ đội ngũ kỹ thuật của công trình trong quá trình vận hành còn yếu, đặc biệt là việc chưa khai thác tối đa các chức năng nâng cao của hệ thống để hỗ trợ quá trình cải thiện HQNL của công trình trong quá trình vận hành và bảo trì.
Hiện nay, việc đánh giá mức tiết kiệm và ảnh hưởng của hệ thống M&V đến chi phí vận hành và bảo trì chưa được hỗ trợ làm rõ trong thực tế triển khai khiến các chủ đầu tư đang chưa coi việc triển khai M&V là một dự án HQNL có tác dụng thu hồi vốn mà chỉ mới dừng ở việc nâng cao hình ảnh của công trình (một phần của hệ thống BMS). Con số tiết kiệm năng lượng là tương đối và không chắc chắn. Gia tăng chi phí cho M&V để đảm bảo mức độ chắc chắn, chính xác của con số HQNL. Mỗi chủ công trình với mục tiêu triển khai M&V khác nhau sẽ cần phải cân bằng giữa chi phí và tính chính xác của kết quả đánh giá từ M&V. Theo kinh nghiệm của dự án EECB, việc triển khai M&V có thể bắt đầu với việc tập trung cho việc đánh giá các giải pháp HQNL riêng rẽ đã được áp dụng. Khi lợi ích đem lại của hệ thống M&V đã được chứng minh và đội ngũ kỹ thuật đã quen với hệ thống thì có thể mở rộng phạm vi đo lường và từ đó hỗ trợ cho việc tối ưu vận hành và bảo trì của công trình.
Dữ liệu M&V của dự án EECB cho thấy, mức tiết kiệm tăng thêm từ 5-10% tiêu thụ năng lượng có thể đạt được từ việc tối ưu quá trình vận hành và bảo trì tòa nhà từ các kết quả phân tích từ chương trình phần mềm M&V đã được lắp đặt thí điểm 06 công trình trình diễn (03 công trình mới và 03 công trình hiện hữu). Như vậy, việc triển khai hệ thống M&V cho các công trình xây dưng thực sự là cần thiết.
Nguyễn Thị Hằng.