Phát triển công trình xanh ở Việt Nam (kỳ 3)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Kỳ 3: Chính sách nào để thúc đẩy phát triển Công trình xanh tại Việt Nam?

Cho đến nay, có khá nhiều chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động của nhà nước về phát triển bền vững, về môi trường, về năng lượng được ban hành. Liên quan trực tiếp đến Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng, có thể kể đến Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về Phát triển bền vững, Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phe duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030.…

Nhìn lại thực tế trong lĩnh vực xây dựng nhà và công trình, có thể thấy phần lớn những nội dung chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động chưa ghi nhận được những chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn xây dựng ở nước ta. Có thể điểm qua một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Một là: hành lang pháp lý cho hoạt động phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng chưa có hoặc chưa đầy đủ. Mặc dù lần đầu tiên nội dung phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng được đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi, tháng 6/2020), song cho đến nay, việc cụ thể hóa các quy định này vẫn còn chậm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng chính sách hỗ trợ hoạt động phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng.

Hai là: Chính sách khuyến khích phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng không nhận được sự quan tâm đầy đủ của các cơ quan quản lý nhà nước. Không có chính sách ưu đãi, khuyến khích thì không có sự phát triển các công trình này. Nếu các chính sách ưu đãi bằng thuế, vốn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì các chính sách ưu đãi bằng thưởng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cần được nghiên cứu, áp dụng. Kinh nghiệm của thế giới và các nước trong khu vực cho thấy, tùy theo xếp hạng Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng, có thể cho phép tòa nhà được: tăng diện tích sàn 1%-2% (Singapore), 10% (Hồng Kông), 15% (Hàn quốc), 20% (Thái Lan); tăng mật độ xây dựng 0,5% - 7% (Úc)… Đây là chính sách hợp lý vì Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng góp phần làm giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp điện, nước, thoát nước của đô thị.

Ba là: Hoạt động đánh giá, chứng nhận Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng trên lãnh thổ Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam thực hiện, chưa được nhà nước quản lý. Việc đánh giá, chứng nhận các công trình trên là nhu cầu hiện có trên thị trường và có ý nghĩa thông tin cho xã hội và người sử dụng về một phẩm chất của loại “sản phẩm hàng hóa đặc biệt” này. Do đó, việc đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, phương thức hoạt động đánh giá và chứng nhận các công trình trên cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động đánh giá và chứng nhận Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Bốn là: Định mức kinh tế kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng là một trong những rào cản để các tòa nhà được đầu tư từ ngân sách nhà nước tiếp cận với Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng. Đó là suất vốn đầu tư, định mức chi phí tư vấn. Suất vốn đầu tư các công trình xây dựng được hình thành từ các công trình được thiết kế và xây dựng theo phương thức hiện nay, chưa tính đến các chi phí tăng thêm để đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn về Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng. Nếu không có sự điều chỉnh quy định về suất vốn đầu tư và định mức chi phí tư vấn, các tiêu chí về Công trình xanh và công trình hiệu quả năng lượng sẽ không có cơ sở được cân nhắc trong thiết kế, thi công các loại hình công trình này.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng dù có chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động của quốc gia và bộ ngành, nếu không giải quyết được các vấn đề cơ bản thì ngành Xây dựng sẽ vẫn còn gặp phải những thách thức rất lớn trong việc hoàn thành các mụctiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong việc phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng.
Nguyễn Thị Hằng
 
 
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google