(HNM) - Các công trình xanh, với nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, đang trở thành xu hướng xây dựng được quan tâm, triển khai trong cả nước. Tại Hà Nội, 7 năm qua đã có hàng chục công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh, bước đầu cho thấy kết quả của một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, trước những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, các kiến trúc sư đã kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ, tạo “đòn bẩy” để công trình xanh phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hướng phát triển đô thị xanh, bền vững
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khái niệm kiến trúc xanh có nhiều định nghĩa nhưng có thể hiểu đơn giản là một cách tiếp cận mới trong xây dựng nhằm giảm thiểu tác động của các công trình đối với tự nhiên và con người, cố gắng tiết kiệm nguồn năng lượng thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên đất, nước, không khí bằng cách lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường. “Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, kiến trúc xanh mang lại lợi ích to lớn cho xã hội và là xu hướng thiết kế của thời đại”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh, PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên đánh giá, xu hướng thiết kế và xây dựng xanh đang ngày càng phát triển. Các kiến trúc sư đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế để các ngôi nhà ngày càng thông thoáng, nhiều cây xanh và cách nhiệt tốt hơn. Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động - không dùng thiết bị, công nghệ mà thông qua các giải pháp thiết kế, thi công để cải tạo vi khí hậu. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến quý I-2022, Việt Nam có khoảng 200 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận, với tổng diện tích sàn khoảng 6 triệu mét vuông.
“Xu hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững là xu thế chung mà các cấp, ngành, doanh nghiệp đang hướng tới. Công trình xanh, bền vững cùng với các khu đô thị xanh, khu đô thị sinh thái sẽ giúp cho đô thị lớn phát triển xanh, bền vững hơn. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy đối với các khu vực đô thị hiện hữu như thành phố Hà Nội hiện nay, việc hình thành các công trình xanh độc lập, đơn lẻ đi đôi với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị là hướng đi khả thi và phù hợp”, PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên nhận định.
Cần nhiều cơ chế hỗ trợ và khuyến khích
Công trình xanh được coi là xu hướng phát triển trong ngành xây dựng nhưng chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam lại đang thiếu. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến công trình xanh ở nước ta tăng trưởng chậm. “Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong công trình, là tiêu chí quan trọng nhất của công trình xanh, vẫn thiếu các chế tài quản lý, thúc đẩy nhà đầu tư hay xử phạt khi thiết kế không bảo đảm yêu cầu, dẫn đến chưa hình thành một phong trào mạnh mẽ về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng”, PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên cho biết.
Với nhiều kinh nghiệm về các hệ thống nhiệt và năng lượng công trình, Chủ tịch Câu lạc bộ mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA - Vietnam) kiến trúc sư Trần Thành Vũ cho rằng, có 3 nội dung quan trọng nhất, cần làm, cần kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thiết kế công trình xanh, đó là: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tiện nghi sử dụng và tiết kiệm năng lượng triệt để. “Do tiết kiệm năng lượng là yếu tố then chốt của các công trình xanh nên để khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng vượt trội thì nên có các ưu đãi như: Có thể cho thêm tầng, tăng mật độ xây dựng, hoặc cho vay vốn với lãi suất thấp hơn, cấp giấy phép xây dựng ưu tiên, giảm tiền điện hay thuế giá trị gia tăng trong 5-10 năm...”, kiến trúc sư Trần Thành Vũ nêu quan điểm.
Đề xuất giải pháp ở phạm vi rộng hơn, PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan. Cụ thể là xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển công trình xanh; quan tâm phát triển công trình xanh trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách nhà nước; hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…
Ngoài ra, cần tạo lập môi trường cho công trình xanh thông qua sự cân bằng giữa kinh tế và môi trường; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xây dựng công trình xanh và phát triển, sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường. Việc xây dựng các tiêu chuẩn ISO và hệ thống đánh giá cho các công trình và sản phẩm xây dựng xanh; xây dựng các mô hình thực hiện từ chính sách, thí điểm, lựa chọn hình mẫu chuẩn và áp dụng nhân rộng cũng là những giải pháp cần sớm thực hiện để không chỉ ở thành phố Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước được “phủ xanh” nhiều hơn nữa bằng các công trình xanh bền vững, thân thiện với môi trường.
Bảo Hân (Báo Hà Nội Mới)
07 - 07 - 2022
23 - 06 - 2022
03 - 06 - 2022