Hà Nội: Xu hướng xây dựng công trình xanh tác động tích cực đến phát triển đô thị

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

 

(Xây dựng) – Là một trong hai đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội đang gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, do đó, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại” trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của Thủ đô và những nền tảng mà thành phố đã thiết lập.

ha noi xu huong xay dung cong trinh xanh tac dong tich cuc den phat trien do thi
Dự án Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã đạt chứng nhận Công trình xanh hạng Bạc theo Bộ tiêu chí LOTUS NR V2.0. Đây là công trình sử dụng vốn Nhà nước đầu tiên đạt chứng nhận công trình xanh LOTUS.

Thành phố Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, tốc độ xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng gia tăng nhanh chóng. Đây là xu thế tất yếu để phát triển đô thị nhưng cũng là nguyên nhân chính gây tắc đường, ngập úng, không gian đô thị ngột ngạt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì vậy, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững giải quyết vấn đề ô nhiêm môi trường sống. Tuy nhiên, sự quan tâm về công trình xanh ở nước ta nói chung vẫn còn chưa đúng mức, xuất phát từ việc hiểu biết chưa đầy đủ về tính hiệu quả của nó. Việc thiết kế và phát triển các chìa khóa then chốt để đạt được các mục tiêu này. Các thiết kế xây dựng kết hợp cùng việc sử dụng năng lượng ánh sáng hiệu quả sẽ làm giảm thiểu tối đa năng lượng sử dụng trong công trình.

Công trình xanh với việc áp dụng các giải pháp xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, tuần hoàn, tái sử dụng chất thải, đảm bảo điều kiện tiện nghi, sức khỏe người sử dụng, hạn chế tác động đến cảnh quan thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính là một trong những giải pháp để giúp các đô thị nói chung, Thành phố Hà Nội nói riêng phát triển theo hướng xanh, bền vững. Trên cơ sở này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng).

ha noi xu huong xay dung cong trinh xanh tac dong tich cuc den phat trien do thi
Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Thưa ông, xin ông cho biết những lợi ích từ việc đầu tư xây dựng công trình xanh đối với các chủ đầu tư?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh đem lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư như: Bán, cho thuê nhà ở, văn phòng, bất động sản nhanh hơn, giá cao hơn so với sản phẩm cùng phân khúc nhưng không được cấp chứng nhận công trình xanh; Giảm chi phí vận hành (giảm tiêu thụ năng lượng, nước…); Giúp đa dạng hóa các loại sản phẩm, gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp; Có được đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động có kỹ năng chuyên môn về công trình xanh; Có được môi trường làm việc thân thiện, tiện nghi, đảm bảo điều kiện sức khỏe hơn với người sống, làm việc tại công trình được chứng nhận công trình xanh.

PV: Ông có thể cho biết một số công trình xanh tại Hà Nội cũng như bài học từ những công trình xanh tại nước ngoài để áp dụng hợp lý, linh hoạt vào tình hình thực tiễn của Thành phố Hà Nội hiện nay?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Theo thống kê chưa đầy đủ, đến quý I/2022, Việt Nam có khoảng trên 200 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận với tổng diện tích sàn khoảng 6 triệu m2. Các công trình xanh tập trung ở các loại hình văn phòng, khách sạn, trường học, nhà chung cư, nhà máy sản xuất công nghiệp… Một số công trình xanh đã được chứng nhận như Tòa nhà trụ sở Liên hợp quốc tại Hà Nội, Tòa nhà Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, Dự án Diamond Lotus của Công ty Phúc Khang tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Qua thực tế quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh của một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore, Australia có thể cho chúng ta thấy: Các chủ thể liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng ở Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình xanh; Đội ngũ tư vấn xanh, đánh giá, cấp chứng chỉ công trình xanh của Việt Nam có đủ kinh nghiệm và năng lực để thực hiện các hoạt động tư vấn, đánh giá, chứng nhận liên quan quan đến công trình xanh; Với tốc độ đô thị hóa nhanh và với số lượng dự án công trình xây dựng hàng năm lớn, Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển các công trình xanh và công trình phát thải thấp để hướng tới các công trình phát thải ròng bằng 0.

PV: Xu hướng đầu tư xây dựng công trình xanh có tác động tích cực như thế nào đối với sự phát triển của Thành phố Hà Nội?

Ông Nguyễn Công Thịnh: Công trình xây dựng là tế bào các khu đô thị và của đô thị. Đô thị muốn xanh, thông minh, bền vững thì phải bắt đầu từ từng công trình xây dựng trong đô thị. Xu hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị của Thành phố Hà Nội nói riêng và cả Việt Nam nói chung theo hướng xanh, thông minh, bền vững là xu thế chung mà Nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp đang hướng tới. Việc phát triển các công trình xanh, công trình bền vững của Thủ đô cũng là mục tiêu, là định hướng mà nhiều chủ dự án đầu tư xây dựng công trình triển khai thực hiện cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đang khuyến khích, thúc đẩy. Các công trình xanh, công trình bền vững cùng với các khu đô thị xanh, khu đô thị sinh thái sẽ đóng góp vào việc làm cho đô thị xanh hơn, bền vững hơn. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy đối với các khu vực đô thị hiện hữu như Thành phố Hà Nội hiện nay, việc phát triển các công trình xanh độc lập, đơn lẻ sẽ đi đôi với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị là hướng đi khả thi và phù hợp. Đối với các khu đô thị mới, các vùng phát triển đô thị mới, việc tập trung phát triển các khu đô thị đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị xanh, bền vững sẽ tạo sự đồng bộ về mặt hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan của đô thị và cũng đẩy nhanh được số lượng công trình, diện tích sàn xây dựng, diện tích đô thị được phát triển theo xanh, bền vững. Một số nước trên thế giới hiện còn đi xa hơn khi phát triển các công trình trong đô thị, các khu đô thị theo hướng công trình, đô thị phát thải thấp hoặc không phát thải khí nhà kính, tự cân bằng năng lượng.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Thu Hằng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google