Mới đây, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh khu vực miền Trung - Tây Nguyên” tại TP. Đà Nẵng. Tại đây, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng vật liệu xây dựng xanh, đặc biệt là gạch không nung vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.
Trên thực tế, hiện nay đã có các chính sách phát triển cho sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh, song các chuyên gia cho rằng việc thực thi vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, doanh nghiệp và chính quyền vẫn chưa thể gắn kết, phối hợp trong triển khai.
Thông tin từ ông Trần Xuân Đính, Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng miền Trung - Tây Nguyên tại khu vực đã phát triển được gần 50 nhà máy gạch không nung với công suất hơn 800 triệu viên/năm. Riêng tại Đà Nẵng có hơn 20 nhà máy đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn lớn đó là các cơ quan địa phương không thực hiện nghiêm các quyết định của Chính phủ về tăng cường sử dụng gạch không nung, hạn chế sản xuất sử dụng gạch đất sét nung.
Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng đã có sự cạnh tranh của các nhà máy gạch nung truyền thống với vật liệu xây không nung, đặc biệt là các loại gạch sản xuất thủ công giá thành thấp. Ngoài ra, các công trình dùng vốn ngân sách không sử dụng gạch không nung vẫn được thanh toán, gây khó khăn lớn cho việc sản xuất và tiêu thụ gạch xây không nung.
Mặc dù nhiều văn bản, nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành tạo hành lang pháp lý cho vật liệu xây dựng xanh phát triển nhưng đến nay việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vật liệu xanh không đạt như kỳ vọng. Không chỉ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mà nhiều địa phương trong cả nước cũng đang gặp phải khó khăn này.
Ngoài ra, giá thành của vật liệu xây dựng xanh hiện cao hơn so với vật liệu xây dựng thông thường, có thể làm tăng giá thành công trình, trong khi năng lực tài chính cho đầu tư nhà ở có hạn, người sử dụng chưa tính đến hiệu quả tổng thể của công trình.
Hữu Việt
(Theo trang tin cafeland.com)