Công trình Xanh hướng tới tối ưu hóa năng lượng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, với mức tiêu thụ nhiều nhất trong lĩnh vực điện. Nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu vẫn chưa tính đủ, có nguy cơ thiếu năng lượng. Vì thế, việc xuất hiện những tòa nhà Xanh, Công trình Xanh trở nên cực kỳ bức thiết.

Theo kết quả khảo sát tại các thành phố lớn của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng cho biết, các công trình ở Việt Nam đang ngày càng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 80 đến 90 triệu m2 sàn công trình mới. Trong đó, khu vực công trình thương mại, khách sạn, văn phòng có mức độ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô. Nếu như năm 2003, lĩnh vực công trình dân dụng chỉ chiếm khoảng 22,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia thì đến nay, con số này cũng đã tới gần 40%.

Thống kê đối với các văn phòng tại Hà Nội, cơ cấu năng lượng sử dụng bao gồm 34% điều hòa không khí, 18% chiếu sáng, 17% trang thiết bị điện, 15% thang máy phụ trợ, 7% sưởi, 3% nước nóng, 6% quạt, nhiệt thải và bơm.

Trong một ngôi nhà, các thiết bị tiêu thụ năng lượng nhiều nhất là hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa không khí và hệ thống nước nóng. Bởi vậy, thiết kế để tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sử dụng năng lượng là một trong những yếu tố đang được nhiều công trình chú trọng. Trong đó, bắt đầu từ khâu thiết kế, vật liệu và công nghệ đóng vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng cho công trình.

Tòa nhà City House ở khu thương mại trung tâm của Singapore được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Eco-business

Được biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành cuối tháng 9/2013 bao gồm các yêu cầu, chỉ số kỹ thuật áp dụng đối với: Lớp vỏ công trình, ngoại trừ lớp vỏ của các không gian làm kho chứa hoặc nhà kho không sử dụng điều hoà; Trang thiết bị trong công trình bao gồm (Hệ thống chiếu sáng nội thất; hệ thống thông gió và điều hoà không khí; Thiết bị đun nước nóng; thiết bị quản lý năng lượng; thang máy và thang cuốn...) mà tổ chức, cá nhân phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình dân dụng (như văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2500 m2 trở lên. Quy chuẩn này hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình xây dựng và phát triển Kiến trúc Xanh tại Việt Nam.

Dưới đây là một số giải pháp giúp hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả:

Tiết kiệm năng lượng cho điều hòa

Để giảm áp lực cho hệ thống điều hòa, nhiều tòa nhà cao ốc hiện nay cho lắp đặt hệ thống cửa ra vào đóng mở tự động và quạt cắt gió để ngăn chặn sự xâm nhập của không khí bên ngoài. Bên cạnh đó, các khu vực cửa kính được dán chống nóng và lắp rèm chắn nắng. Phía bên ngoài tòa nhà được lắp đặt mái chắn bằng thép. Hệ thống mái chắn này giúp lấy được ánh sáng vào buổi sáng và tạo bóng tâm chắn nắng vào buổi chiều.

Tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng

Hầu hết các tòa nhà đều có thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng tại khu vực sảnh, quầy hàng, biển quảng cáo và trong các phòng chiếu. Ngoài ra, các bóng đèn cũ đã được thay bằng bóng Led, bóng Compact để tiết kiệm điện. Cũng có một số công trình tòa nhà đã thiết kế nhiều giếng trời để lấy ánh sáng, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng đèn.

Thay thế hệ thống nước nóng

Một trong những phương án tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà hiện nay là sử dụng năng lượng mặt trời. Được biết, các tấm pin quang điện với công suất 110 kWp được lắp đặt trên một mái nhà có thể đáp ứng được 10% tổng lượng điện tiêu thụ.

Nhiều công trình còn đặt ra tiêu chí tự sản xuất năng lượng cho chính nó, nhiều hơn năng lượng mà công trình đó đang sử dụng. Một trong các cách mà các công trình đang lựa chọn là sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời.

Theo Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google