(Xây dựng) - Khi đô thị càng phát triển thì nhu cầu sử dụng điện càng tăng, nhất là tại các tòa nhà, chung cư cao tầng. Do đó, việc đưa ra đồng bộ các biện pháp là yếu tố cần thiết để giảm thiểu tiêu thụ điện năng nhằm làm giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Ngôi nhà xanh (ảnh minh họa)
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng tới 40%
Theo các chuyên gia, trong các tòa nhà, tiềm năng tiết kiệm năng lượng là tương đối lớn, khoảng 10 - 40%. Thành phần tiêu thụ điện năng bao gồm hệ thống điều hoà không khí và các thiết bị phụ trợ (bơm nước, quạt gió), hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy và các thiết bị khác.
Trên thực tế, việc sử dụng các thiết bị trên vẫn còn lãng phí ở rất nhiều nơi. Chẳng hạn, văn phòng chỉ có 3 người nhưng vẫn tiêu tốn năng lượng tương đương 100 người. Các máy có cùng công suất nhưng lại sản xuất ra sản lượng khác nhau trong cùng một sản phẩm.
Hay rất nhiều các thiết bị điều hoà không khí đang được sử dụng có công nghệ cũ, có hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng. Hệ thống đường ống dẫn nước lạnh, dẫn gió chưa được bảo ôn đúng cách dẫn tới sự tổn hao nhiệt năng lớn trên đường ống. Trong quá trình sử dụng, một số yếu tố chưa được chú trọng đúng mức, độ chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài không gian điều hoà, bố trí các phòng lạnh tiếp xúc trực tiếp với các bức xạ mặt trời…
Cùng với đó, trong các toà nhà hiện nay, loại thang máy được lắp đặt thông thường là các thang máy có tải định là 1000KG ≈ 15 người, tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các thang máy thường làm việc dưới tải định mức (thậm chí thấp hơn rất nhiều) gây lãng phí điện năng.
Ông Giáp Hồng Thức - Chuyên gia quản lý năng lượng Cty KSMC Việt Nam - cho biết, hiện có khoảng 30% năng lượng đang bị lãng phí mà doanh nghiệp không nhận ra. Trong các hệ thống tiêu thụ năng lượng nói trên thì hệ thống điều hoà không khí và các thiết bị phụ trợ (máy lạnh, bơm nước lạnh, quạt gió) là một trong những hệ thống tiêu tốn điện năng nhiều nhất, ai cũng thấy rõ.
Lựa chọn giải pháp thay thế?
Các chuyên gia cho rằng, tiết kiệm năng lượng là hoàn toàn có thể nếu DN quan tâm đầu tư cho vấn đề này. Chẳng hạn, DN có thể tiết kiệm năng lượng bằng hệ thống giám sát năng lượng nhằm loại bỏ thiết bị tiêu thụ quá nhiều năng lượng, thay thế thiết bị có hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao như đèn LED, sử dụng biến tần, bơm nhiệt…
Theo TS. Nguyễn Phan Kiên - Viện Điện tử viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội): Giải pháp tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng bằng phương pháp điều khiển cân bằng ánh sáng giúp tiết kiệm 30- 50% năng lượng tiêu thụ được áp dụng cho văn phòng, tòa nhà, các phòng học, các xưởng sản xuất các ngành công nghiệp, đèn đường…
Giải pháp này đã được lắp đặt thử nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội giúp tiết kiệm trung bình 55% năng lượng; tại Cty CP sợi dệt Vĩnh Phúc giúp giảm 50% năng lượng; tại siêu thị Media Star Hà Đông giúp giảm 40%... Trong đó, ứng dụng cho tòa nhà kính hiệu quả cao hơn rất nhiều lần.
Đối với hệ thống chiếu sáng: Có thể thay thế hệ thống chiếu sáng hiệu suất thấp (bóng sợi đốt, đèn huỳnh quang chấn lưu sắt từ) bằng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện (bóng compact tiết kiệm điện, chấn lưu điện tử). Đối với các thiết bị chiếu sáng ngoài trời, điều khiển tắt bật theo các chế độ tự động (theo thời gian, theo độ sáng của môi trường). Sử dụng đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, có thể thay thế việc sử dụng các bình đun nước nóng cục bộ bằng việc sử dụng các trung tâm cấp nước nóng sử dụng dầu D.O cấp nước nóng cho toàn bộ toà nhà. Sử dụng các bình nước nóng năng lượng mặt trời, có thể sử dụng trực tiếp hoặc để gia nhiệt nước cấp cho các bình đun nước nóng…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp nêu trên thì việc nâng cao ý thức tiết kiệm của người sử dụng là cần thiết để giảm thiểu điện năng trong mỗi tòa nhà.
Vân Anh