Những mô hình chuyển đổi năng lượng thành công tại Pháp

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ lâu được chứng minh làm trái đất ấm dần lên, từ đó gây ra thiên tai. Nhiều nơi ở Pháp đã tìm cách hạn chế, thậm chí quay lưng với nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang dùng năng lượng tái tạo.

3 hòn đảo gồm Ouessant, Sein và Molène thuộc tỉnh Finistère, miền Tây Bắc nước Pháp, bắt đầu giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo trong một chương trình chuyển đổi năng lượng được khởi xướng cách đây 1 năm.

"Chúng tôi rất hài lòng với những gì đã đạt được cho đến nay", Denis Bredin, Chủ tịch Hiệp hội các quần đảo ở biển Manche và Đại Tây Dương thuộc Pháp nhưng không có cầu nối với đất liền và không được cung cấp điện cho biết.

Trước nay, người dân trên những hòn đảo này chủ yếu sống bằng máy phát điện chạy dầu diesel. Nhưng từ đầu tháng 9-2016, 3 trong số 15 hòn đảo thuộc hiệp hội đã đề ra chương trình đầy tham vọng giúp họ đến năm 2030 hoàn toàn sống bằng năng lượng tái tạo.


Lắp đặt một turbine thủy triều ở đảo Ouessant

Trong 1 năm qua, người dân của 3 hòn đảo Ouessant, Sein và Molène đã tiết kiệm được 1.100MWh. Điều này giúp giảm được 16% lượng khí thải CO2. “Mục tiêu trong 3 năm giảm được 30% lượng khí phát thải ở 3 hòn đảo trên là hoàn toàn có thể thực hiện được”, ông Bredin cho biết.

Những khoản tiết kiệm năng lượng đã đạt được thông qua việc thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn Led, thay thế máy lạnh, tủ lạnh cũ ngốn điện, cải tạo hệ thống sưởi trong các công trình công cộng....

Bên cạnh đó là việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Trong 1 năm, các nhà máy điện mặt trời ở Ouessant và Sein đã cung cấp khoảng 150MWh. Riêng tại Ouessant, Nhà máy Thủy điện Sabella D10, mặc dù đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, nhưng cũng đã cung cấp 70MWh trong giai đoạn từ tháng 9-2015 đến tháng 7-2016. Mục tiêu đến năm 2018 của nhà máy là cung cấp trên 400MWh.

Hiện nhiều trung tâm điện năng lượng mặt trời và phong điện cũng đang trong quá trình xây dựng tại các hòn đảo trên.

Hiệp hội các quần đảo ở biển Manche và Đại Tây Dương thuộc Pháp đã xin được 1,5 triệu euro để mở rộng mô hình này cho 3 hòn đảo khác cũng thuộc tỉnh Finistère.

Cũng tại một quần đảo khác thuộc Pháp, Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương, việc chuyển đổi năng lượng cũng đang được rốt ráo thực hiện. Xin lưu ý rằng, mặc dù viết là Wallis và Futuna, nhưng thực tế đây chỉ là một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Trong 1 năm qua, người dân của 3 hòn đảo Ouessant, Sein và Molène đã tiết kiệm được 1.100MWh. Điều này giúp giảm được 16% lượng khí thải CO2.

Mục tiêu của Wallis và Futuna (12.000 dân), là thông qua một chương trình kéo dài nhiều năm để chuyển đổi năng lượng. Bước đầu là sản xuất 50% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030 và 100% vào năm 2050. Hơn 90% nguồn năng lượng hiện nay được sử dụng ở Wallis và Futuna là nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng tôi được Chính phủ Paris cho hưởng ưu đãi thuế để phát triển sạch”, David Verge, Chủ tịch Hội đồng Lãnh thổ ở Wallis và Futuna nói.

Phát biểu tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương ở Samo, Sébastien Lecornu, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp khẳng định với các nhà lãnh đạo của châu Đại Dương rằng, nước Pháp sẽ duy trì tất cả các nguồn tài chính cho các chương trình phát triển bền vững khu vực.

 
 

Nguồn tin: petrotimes.vn
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google