Nhiều cống hiến mới trong phát triển công trình xanh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) - Ngày 16/11, Trường Cao đẳng Công nghệ chính thức khai mạc Hội thảo Khoa học quốc gia về ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh 2017 (ATiGB). Sau ATiGB lần thứ 2, ATiGB 3 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, doanh nghiệp tìm kiếm những giải pháp mới, ứng dụng mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt Hội nghị có sự tham gia báo cáo của các Giáo sư đến từ Đại học Nagaoka và Okayama – Nhật Bản.


Qua 3 năm tổ chức, ATiGB ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, đã có 110 bài viết về các nghiên cứu mới liên quan về công trình xanh.

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng mới được chia sẻ tại ATiGB lần 3 như sử dụng cốt liệu cao su phế thải cho bê tông nhựa. Đó là việc tái sử dụng hàng triệu lốp xe phế thải, một nguồn rác khó xử lý và ảnh hưởng đến môi trường hiện nay. Việc chôn lấp, đốt, hủy sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tác động xấu đến sức khỏe của người dân. Giải pháp tái chế nguồn phế thải này thành bê tông nhựa cao su thay thế bê tông nhựa sẽ giải quyết được vấn đề môi trường và giải quyết được vấn đề hằn lún vệt bánh xe đang xảy ra rất nhiều ở Việt Nam.


Giải pháp nghiên cứu của trường ĐHBK Đà Nẵng về tái sử dụng hàng triệu lốp xe phế thải làm cốt liệu cho bê tông nhựa nhằm đảm bảo môi trường an toàn hơn khi tiêu hủy loại phế thải này (ảnh từ Internet).

Hay giải pháp đề xuất cho việc sử dụng quỹ đất tại khu vực nhà ga đường sắt Đà Nẵng thành công viên đường sắt. Việc sử dụng một quỹ đất tại khu vực được đánh giá là “đất vàng” của thành phố để đầu tư cho một công trình công viên có thể không mang lại hiệu quả kinh tế tức thì. Nhưng dưới góc độ quy hoạch phát triển bền vững, đảm bảo cho việc phát triển lâu dài của khu vực trung tâm đô thị vốn đang bị thiếu trầm trọng các không gian công cộng và đang chịu sự ngột ngạt, chật chội của việc gia tăng dân số. Một công viên với chủ đề đường sắt được đặt đúng vị trí địa lý và lịch sử của nó sẽ mang dấu ấn của thành phố và là món quà quý giá dành cho thế hệ tương lai.


Chia sẻ nghiên cứu của Đại học Okayama, Nhật Bản về Hoạt động tái chế sinh khối từ chất thải hữu cơ.

PGS.TS. Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cho biết: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, nhiều công nghệ mới được áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Các giải pháp công nghệ đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là công trình xanh và bền vững với việc tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải các khí CO2, CFC, sử dụng các loại vật liệu thân thiện môi trường, các giải pháp quy hoạch, xây dựng xanh…

Việc đứng ra tổ chức Hội thảo ATiGB với mong muốn đây là một diễn đàn mở để các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển xanh ở Việt Nam có thể trao đổi, trình bày các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm trong thực tế, các yêu cầu và đòi hỏi trong chiến lược xây dựng và phát triển xanh, qua đó tìm được tiếng nói chung, các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Nguyễn Nam

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google