Cần hành lang pháp lý cho công trình xanh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Phát triển công trình xanh (CTX) đã và đang là xu hướng mang tính toàn cầu, tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề này còn khá mới mẻ, cho dù Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh. Xét về tổng thể, đầu tư CTX sẽ đem lại hiệu quả bền vững hơn, tuy nhiên, do hành lang pháp lý còn thiếu, cho nên rất cần các cơ quan quản lý có chính sách thúc đẩy, khuyến khích, tạo bệ phóng cho chương trình này.

Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn

Khái niệm CTX do Hội đồng Công trình Xanh Mỹ (USGBC), một tổ chức phi chính phủ đưa ra, nhằm chỉ những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm các tác động xấu tới môi trường. Ðồng thời, được thiết kế để có thể hạn chế cao nhất những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Theo Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC), một công trình xây dựng cụ thể được gọi là CTX khi đáp ứng các tiêu chí: Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; giảm đến mức thấp nhất chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, số lượng công trình được thiết kế, cấp chứng chỉ CTX còn hạn chế. Theo đó, chỉ có khoảng 80 công trình được cấp chứng chỉ CTX trên tổng số 115 công trình đăng ký. Con số này còn quá thấp so với hàng chục nghìn công trình lớn đã và đang đầu tư xây dựng. Mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách định hướng, song, về mặt quản lý, hiện vẫn chưa có hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhằm thúc đẩy, khuyến khích và bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân thủ xu hướng thiết kế và xây dựng CTX. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu chưa nhiều, chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá CTX tiêu chuẩn như các nước trên thế giới để ứng dụng cụ thể vào Việt Nam.

Hiện tại, trên thị trường Việt Nam phổ biến bốn hệ thống đánh giá CTX theo chuẩn thế giới gồm: EDGE của Công ty IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới); Green Mark của Bộ Xây dựng Xin-ga-po; LEED của USGBC, và LOTUS của VGBC. Ngoài ra, còn một số bộ công cụ khác do các đơn vị phát triển như Bộ CTX của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam và năm tiêu chí kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát triển và giới thiệu. Những hệ thống đánh giá này được các chủ đầu tư ứng dụng tùy tiện, đôi khi theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", dẫn đến nhiều công trình tự gắn mác xanh, nhưng thực chất chưa đạt yêu cầu theo tổng thể một hệ thống đánh giá nào.

Giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) Trịnh Tùng Bách cho biết, hiện nay, Việt Nam có bộ quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Ðây là quy chuẩn hiện hành duy nhất về các giải pháp tiết kiệm năng lượng công trình. Tuy nhiên, việc thực thi các hướng dẫn trong cẩm nang này còn hạn chế, thậm chí ít được biết đến trong giới thiết kế, từ kiến trúc sư đến kỹ sư. Ðiều này một phần do sự phức tạp, tính khả thi chưa cao của quy chuẩn, mặt khác thiếu sự mạnh mẽ trong quản lý đầu tư xây dựng. Sự hiểu biết về phát triển CTX của các bên còn mơ hồ, nhiều chủ dự án nghĩ đơn giản, chỉ cần trồng thêm nhiều cây là gắn mác xanh hoặc cho rằng chỉ có các dự án cao cấp mới đủ khả năng đầu tư phát triển xanh, vì giá thành sẽ đội lên rất nhiều,... Ðến nay, Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích đầu tư CTX cụ thể, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương ứng với tiêu chí xanh phù hợp điều kiện thực tiễn tại nước ta.

Từng bước thay đổi tư duy

Câu hỏi luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm trước khi phát triển CTX là suất đầu tư sẽ tăng thêm bao nhiêu so với xây dựng công trình thông thường? Nếu mức chênh lệch quá lớn, đầu tư phát triển CTX liệu có hiệu quả? Theo Chánh Văn phòng VNREA Ðỗ Viết Chiến, đương nhiên, giá thành đầu tư CTX sẽ cao hơn so với thông thường, song cần thay đổi tư duy, không nên nhìn suất đầu tư ban đầu cao, mà cần tính cho cả vòng đời dự án (khoảng từ 30 đến 50 năm), sẽ thấy đầu tư CTX hiệu quả hơn. Chẳng hạn, nếu đầu tư CTX ban đầu có thể cao hơn khoảng 30%, nhưng hằng năm, tiền điện, nước, năng lượng,... sẽ giảm khoảng từ 25 đến 30%. Toàn bộ vòng đời dự án 30 năm, con số tiết kiệm chi phí sẽ lớn hơn nhiều khoản đầu tư ban đầu. Ðó là chưa kể đến những lợi ích khi người dân được sinh sống trong điều kiện thoải mái, ít ô nhiễm.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, một số nước có chính sách ưu đãi mạnh mẽ đầu tư CTX. Tại Trung Quốc, các đơn vị từ sản xuất vật liệu xây dựng xanh đến đầu tư phát triển CTX đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất,... Chính phủ nước này còn ban hành chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua nhà trong các dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Một số quốc gia láng giềng như Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a ban hành các chính sách chặt chẽ hơn, buộc các nhà đầu tư phát triển dự án theo hướng xanh hóa, quy định cụ thể các khu vực nào chỉ được phép phát triển CTX... Do vậy, tại Ma-lai-xi-a, đã có hơn 14 triệu m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận CTX. Tại Xin-ga-po, tính đến tháng 6-2017 đã có ba nghìn CTX.

Phó Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh phân tích, thực tế phát triển CTX tại Việt Nam chưa thật sự hiệu quả. Chẳng hạn, theo bộ quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD, hệ thống chiếu sáng chỉ cần khoảng 11W/m2, nhưng tại nhiều công trình, con số này là 22W/m2. Một số công trình chỉ tập trung đến cảnh quan, cây xanh, còn vấn đề thiết kế, sử dụng các loại vật liệu xanh không được chú trọng,... Vì vậy, mặc dù chi phí đầu tư tăng, nhưng hiệu quả thực chất không nhiều. Ðiều này đã từng bước được nhìn nhận rõ ràng hơn khi nhiều chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn tiếp cận và đón nhận xu hướng phát triển xanh, thậm chí một số dự án thuộc phân khúc nhà giá thấp cũng sẵn sàng đầu tư.

Bộ Xây dựng đang tập trung nhằm sớm hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có tiêu chuẩn về phát triển xanh; xây dựng khung pháp lý, cơ chế khuyến khích các thành phần tham gia phát triển CTX cũng như thành lập các đơn vị đánh giá thẩm định chuyên nghiệp về chất lượng công trình theo tiêu chí xanh, bước đầu hình thành thị trường, thay đổi nhận thức để phát triển bền vững.

Minh Thành/nhandan.com.vn/

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google