Công trình hoàn hảo là tổng thể của “Xanh” và “Thông minh”
Trong tương lai, chi phí nhà ở tăng cao sẽ là động cơ khiến các hộ gia đình chuyển hướng sang xem xét các giải pháp nhà ở xanh. Mua căn hộ tại một dự án xanh, mặc dù số tiền bỏ ra ban đầu cao hơn so với mua nhà ở tại dự án thông thường nhưng tiền tiết kiệm từ các hóa đơn điện, năng lượng… sẽ bù vào vốn đầu tư thêm. Đó là những đánh giá chung của các chuyên gia tại chuyên đề 2 Công trình Xanh – Diễn đàn Bất động sản thường niên lần I vừa diễn ra.
Nói về sự cần thiết cũng như dư địa phát triển lớn của các giải pháp “Xanh”, “Thông minh”, ông Nguyễn Văn Nhung, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH LG Electronic Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, các tòa nhà cao tầng tiêu tốn tới hơn 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng ở những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các công trình là một đòi hỏi cấp thiết”.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyễn Trần Nam cũng chia sẻ tại thảo luận rằng, VNREA đã chính thức phát động Chương trình Vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam trong 5 năm. Mục tiêu trong 5 năm đầu tiên là nâng cao nhận thức. Sau đó, chúng ta bắt đầu triển khai tiếp cho các bước sau. Như các diễn giả nói phải dạy học sinh từ mầm non. Tuy nhiên, Công trình Xanh của chúng ta mới quan tâm tới vấn đề quy hoạch, kiến trúc, chưa quan tâm tới thiết bị...
Từ đó, ông Nam đã đặt câu hỏi cho doanh nghiệp: "Tôi cũng đã có dịp đi thăm các thành phố ở Hàn Quốc với thiết bị trong nhà rất hiện đại, tích hợp một điều khiển. Tuy nhiên nhà giá rẻ, trung bình, thậm chí NƠXH sử dụng thiết bị thông minh là đắt.
Như vậy liệu giá có quá cao và áp dụng được cho phân khúc nhà giá rẻ, trung bình không? Nếu có thì các nhà đầu tư phát triển này nên kết hợp từ giai đoạn nào ngay từ đầu hay xây xong mới mời tham gia. Giai đoạn nào nên kết hợp với các chủ đầu tư bất động sản?"
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nhung cho hay, cách đây mấy năm, chúng ta đã đặt nhiều câu hỏi về chi phí thiết kế. Chi phí tăng 30% nhưng khi đồng bộ chỉ khoảng 10%, cả thành phố tiết kiệm điện năng rất lớn. Giá hệ thống thông minh lắp đặt cho nhà xanh rơi vào 10-15%. Riêng thị trường Việt Nam thì cam kết giá bằng hệ thống thông thường để phát triển Công trình Xanh.
Phiên thảo luận về phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam tai Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần I.
Bên lề hội thảo, chia sẻ với Reatimes, ông Nhung nhấn mạnh: “Chúng ta đi sau nhưng chúng ta được tiếp cận những công nghệ, những tiêu chí mới về ngôi nhà xanh của thế giới. Tôi nghĩ, rằng nếu như chúng ta phát triển được lĩnh vực ngôi nhà xanh thì rất tốt vì hiện nay cuộc sống nâng cao hơn mọi người sẽ nghĩ, quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến chất lượng sống. Và ngôi nhà thông minh, ngôi nhà xanh chính là nơi cung cấp chất lượng sống tốt nhất cho con người.
Với ngôi nhà xanh thì đầu tiên đó là công nghệ phải hiện đại nhất, bởi hiện đại nên sẽ ít tiêu tốn điện năng, thân thiện môi trường và dễ dàng sử dụng chứ không phải là những thiết bị tiêu tốn quá nhiều điện năng và không tối ưu”.
Các thiết bị tạo ra ngôi nhà Xanh đúng nghĩa
Tại phiên thảo luận, các đơn vị làm Công trình Xanh và thông minh chia sẻ rằng thiết bị thông minh có thể tiết kiệm nhiều năng lượng cho ngôi nhà xanh. Cụ thể, trong một ngôi nhà, hệ thống điều hoà tiêu thụ năng lượng lớn nhất so với các sản phẩm khác như tủ lạnh, máy giặt, hệ thống an ninh… Hệ thống điều hoà trung tâm thông minh là có thể kiểm soát hệ thống năng lượng trong cả toà nhà, tiết kiệm năng lượng. Hệ thống làm lạnh cũng phải thân thiện môi trường. Các hệ thống sưởi đang tiêu thụ quá nhiều năng lượng.
Các hệ thống trong nhà thường không liên quan nhưng các thiết bị thông minh sẽ kết nối để tận dụng năng lượng. Chúng ta cũng phải thông minh hoá các hệ thống điều khiển để tiện điều khiển. Với giải pháp tổng thể này, những tòa nhà xanh và thông minh sẽ đạt được hệ số tiết kiệm năng lượng dẫn đầu thị trường; tạo ra không gian sống thoải mái và an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đảm bảo an ninh, trong khi giảm chi phí duy trì và vận hành suốt vòng đời công trình.
Ông Nhung chia sẻ với Reatimes: “Các tòa nhà cao tầng đều cần đến các sản phẩm điện tiêu dùng, các công nghệ, đặc biệt trong nhu cầu này trong lĩnh vực bất động sản đang rất lớn. Chúng tôi cũng luôn nhận thức được thị trường BĐS trong tương lai sẽ hình thành Xanh nên đã đầu tư công nghệ sản xuất ra các thiết bị hiện đại, thông minh như hệ thống điều hòa trung tâm, điều khiển thông minh, các hệ thống quản lý tòa nhà, camera và các thiết bị tái sử dụng năng lượng tốt nhất trong tòa nhà”.
Để có một Công trình Xanh đúng nghĩa thì ngay từ khâu thiết kế ý tưởng ban đầu phải nghĩ đến là nhà Xanh. Tiếp đó là công việc của các công ty tư vấn thiết bị thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, ở khâu trung gian, việc chuyển giao công nghệ với nhà tư vấn còn gặp khó khăn. Họ chưa thực sự hiểu, và chưa tâm huyết với sản phẩm. Thế nên người thiết kế, người chuyển giao công nghệ và kiến trúc sư phải thực sự có trách nhiệm chuyển giao công nghệ đến người sử dụng. Và cư dân sử dụng một cách dễ dàng nhất để tiết kiệm năng lượng. Đó mới là giải pháp tổng thể.
Cũng tại phiên thảo luận, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Capital House chia sẻ rằng, Công trình Xanh không chỉ xây xong được gọi là xanh mà phải bắt đầu từ quy hoạch, tiếp theo là vận hành nó như thế nào. Vận hành là quan trọng nhất, không biết vận hành, không phát huy được ưu điểm thì những thiết bị đó thật vô dụng, không thể gọi là tối ưu cho tòa nhà xanh. Bản thân doanh nghiệp tạo ra một Công trình Xanh chưa đủ mà phải hướng dẫn, phải có bộ cẩm nang để cư dân hiểu và sử dụng được một cách tốt nhất.