Cụ thể, đó là Dự án Biến đổi năng lượng từ rác thải với công suất xử lý của nhà máy khoảng 600 tấn rác thải/ngày. Dự án là giải pháp tổng thể nhằm thu gom chất thải rắn đô thị, phân loại và chuyển hóa thành khí sinh học, cũng như các loại vật liệu đốt khác để sản xuất điện. Hiện nay, Watrec đang trong quá trình đàm phán với các đối tác để chốt vấn đề thu xếp nguồn vốn đầu tư cho Dự án.
“Watrec là công ty công nghệ biogas hàng đầu tại Phần Lan, đang xử lý 315.000 tấn chất thải hữu cơ mỗi năm tại chuỗi nhà máy do công ty xây dựng. Dự án tại Hà Nội nhằm mục đích quản lý rác thải hỗn hợp chưa qua phân loại và xử lý chất thải rắn đô thị”, ông Kimmo Tuppurainen cho biết.
Theo ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình biến rác thải trở thành năng lượng và năng lượng sinh học của Phần Lan (FinPro), Việt Nam rất có tiềm năng phát triển các dự án năng lượng sạch từ nguồn rác thải đô thị và phế phẩm nông, lâm nghiệp.
“FinPro tập trung vào việc chuyển đổi rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học tại Việt Nam khoảng 2 năm nay. Do đó, chúng tôi hiểu rõ về những thách thức, tiềm năng trong lĩnh vực chuyển đổi rác thải thành năng lượng tại Việt Nam”, ông Saku Liuksia nói.
Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp của Phần Lan đầu tư, triển khai các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam và đã có những tiến triển khả quan.
Đơn cử, Công ty Doranova hiện có một trong những dự án lớn nhất với nhà máy xử lý bãi rác trị giá 6 triệu Euro đang được xây dựng ở vùng ngoại thành TP.HCM, với mục tiêu chuyển hóa 35.000 tấn chất thải thành năng lượng.
Cách đây gần 1 năm, Doranova cũng chính là một trong những doanh nghiệp Phần Lan thực hiện dự án tổng thể biến đổi rác thành năng lượng tại Bình Dương. Theo đó, Dự án này sẽ thu hồi khí từ bãi rác và xử lý cung cấp khí sinh học cho nhà máy điện có công suất 1,6 MW.
Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng các dự án năng lượng sạch, ông Matti Miinalainen, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Valmet, một công ty hàng đầu tại Phần Lan cho biết, Việt Nam là một trong những địa điểm ưu tiên đầu tư của Valmet. Từ thực tiễn đầu tư, triển khai các dự án trong lĩnh vực này, đại diện của Valmet đưa ra 3 khuyến nghị. Thứ nhất, cần xác định tính khả thi của dự án bằng cách xác định được nguồn nguyên liệu đầu vào của rác thải được chuyển đổi tại nhà máy. Thứ hai là về mức phí mà doanh nghiệp thu từ người mang rác thải đến nhà máy xử lý. Thứ ba, cần xem xét biểu giá điện khi bán cho EVN.
Từ ba yếu tố này, nhà đầu tư mới có thể tính toán được mức độ khả thi của dự án. Theo các doanh nghiệp Phần Lan, đối với những công ty gia nhập thị trường mới, điều quan trọng là làm thế nào để thuyết phục khách hàng về công nghệ mới mà mình mang đến. Đại diện của FinPro nhấn mạnh đến 2 động lực chính đằng sau hoạt động của mỗi dự án chuyển đổi rác thải thành điện năng, đó là hành lang pháp lý và động lực kinh tế. Về phía doanh nghiệp Phần Lan sẽ cố gắng giảm thiếu chi phí đầu tư để phù hợp với điều kiện cụ thể tại Việt Nam do việc sử dụng công nghệ tương đối đắt. Do đó, hướng đi phù hợp là chuyển giao một phần việc đầu tư, sản xuất bằng cách hợp tác với các công ty Việt Nam, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các công ty hoặc chuyên gia trong nước thực hiện.
Hồng Sơn (Báo Đầu tư)