Thúc đẩy phát triển công trình "xanh"
(HNM) - Công trình "xanh" là công trình giảm tối đa các tác động xấu tới môi trường tự nhiên và sức khỏe con người thông qua việc sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; giảm chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Trần Nam, đến nay cả nước mới có tổng cộng 61 công trình "xanh". Đây là con số khiêm tốn so với tốc độ phát triển của các công trình xây dựng tại Việt Nam.
|
Phát triển công trình “xanh” là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong những năm qua. |
Lý giải về nguyên nhân này, tại Diễn đàn BĐS Việt Nam thường niên lần thứ I, do Hiệp hội BĐS Việt Nam và kênh Truyền hình VITV tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House cho biết, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển công trình "xanh" ở Việt Nam là nhận thức sai lầm rằng, xây dựng công trình "xanh" đòi hỏi mức chi phí đầu tư cao hơn 10-30% so với công trình thông thường và đang được rất nhiều người hiểu là một thứ gì đó “xa xỉ” và chỉ dành cho tầng lớp "thượng lưu" của xã hội. Cách hiểu này là chưa hoàn toàn chính xác.
Bằng chứng như Singapore, mọi công trình nhà ở thu nhập thấp hay nhà ở xã hội của họ cũng đều phải tuân thủ theo các tiêu chí "xanh" của hệ thống Green Mark. Còn theo bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý Chương trình công trình "xanh" Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới thì công tác hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền chưa được triển khai nghiêm túc và đồng bộ trên cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho lĩnh vực xây dựng "xanh" để khuyến khích đầu tư vào khu vực này. Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng cũng chưa được hoàn thiện và nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và tương xứng với tiêu chí xanh quốc tế. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, chủ đầu tư và cán bộ thẩm tra còn tỏ ra khá thờ ơ và chưa có quan tâm đúng mức...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam, dù có phản ứng chậm hơn thế giới, nhưng trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, mà điển hình là việc ban hành "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu" năm 2011 và "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh" năm 2012. Hiện nay, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu khoa học đều đã quan tâm đến công trình "xanh" hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Chính phủ đã cho thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) để hỗ trợ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng cho các công trình hiện hữu cũng như xây mới. Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm phát thải ra môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các bộ, ngành liên quan công bố tiêu chuẩn quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các vấn đề hạn chế và đi đến chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo. Vấn đề hiện nay là sự hưởng ứng của người dân và sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những nhà đầu tư về bất động sản.
Phương Nhi