Miền Tây: Năng lượng sạch bảo vệ môi trường

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(NAM PHƯƠNG/Môi trường và Đô thị) Tại Cần Thơ, Quỹ Đầu tư Dragon Capital đang thực hiện những bước đi đầu tiên của điện mặt trời, qua việc rót ít nhất khoảng 1.000 tỷ đồng vào một dự án với giai đoạn 1 có công suất 40 MW.

Còn tại Long An, liên doanh BCG Băng Dương và tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đang xúc tiến dự án công suất 100 MW, với kinh phí đầu tư gần 100 triệu đô la Mỹ. Hay tại Hậu Giang, Công ty cổ phần Năng lượng ASEAN có kế hoạch rót khoảng 1 tỷ đô la Mỹ phát triển dự án tại địa phương này…

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu cho biết họ quyết định chọn phát triển điện gió, nên đã có đề nghị Thủ tướng chấp thuận rút Dự án Nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nói rằng, Dự án Nhiệt điện Cái Cùng là nhà máy nhiệt điện than, có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến định hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Nhiệt điện than là loại hình sản xuất điện cần sử dụng một lượng nước rất lớn, cứ 1MWh cần 4.163 lít nước, trong đó 95% lượng nước dùng để làm mát.

Một kết quả nghiên cứu của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), ở các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng, nước thải từ hệ thống làm mát của nhà máy nhiệt điện than thường có nhiệt độ cao hơn so với nước đầu vào từ 7,5 – 9,3 độ C làm nhiều loài thủy sản suy giảm, không thể sinh trưởng và phát triển.

Vì thế, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch được xây dựng và vận hành tại đồng bằng sông Cửu Long theo Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII, thì mỗi ngày sẽ thải ra khoảng 70 triệu mét khối nước nóng lên tới 400 độ C. Đây sẽ là rủi ro lớn đối với hệ sinh thái dưới nước và nguồn lợi thủy sản của miền Tây Nam bộ, trong khi nước là văn hóa, kinh tế và là nguồn sống của 20 triệu người dân nơi đây.

Hiện nay, Nhà máy điện gió Bạc Liêu với công suất hơn 99MW với 62 trụ turbine tại khu vực bãi bồi ven biển Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã đi vào hoạt động.

“Chúng tôi đang triển khai giai đoạn tiếp theo cho 71 trụ turbine gió loại 2MW với tổng công suất 142MW, tổng mức đầu tư dự kiến 8.850 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành đưa vào vận hành, hòa vào hệ thống điện quốc gia, biến nơi đây thành cánh đồng điện gió lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long” - ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Dịch vụ Công Lý, chủ đầu tư Nhà máy điện gió Bạc Liêu, cho biết.

Đi sau Bạc Liêu, nhưng tỉnh Hậu Giang đang có đến 4 nhà đầu tư mong muốn sẽ xây nhà máy điện mặt trời tại tỉnh này. Ông Tạ Xuân Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần năng lượng ASEAN cho biết, công ty có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Hậu Giang với diện tích 200 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, tương đương khoảng 23.000 tỷ đồng.

Hiện công ty khảo sát các vị trí để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Hậu Giang để đến đầu năm 2019 sẽ phát điện. Các vị trí công ty lựa chọn xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Hậu Giang là xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp), xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy) và xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ).

Ông Trương Cảnh Tuyên, phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để công ty đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trên địa bàn.

Cánh đồng gió Bạc Liêu:

 
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google