Phát triển vật liệu xây dựng xanh là xu hướng tất yếu

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(BĐT) - Cuối tuần qua, Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam phối hợp với Công ty CP Tổ chức triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển VLXD mới, an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường”.

Đại diện Tổng công ty Viglacera giới thiệu sản phẩm mới tại Hội thảo Phát triển VLXD mới, an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Ảnh: Bích Thủy
Đại diện Tổng công ty Viglacera giới thiệu sản phẩm mới tại Hội thảo Phát triển VLXD mới, an toàn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Ảnh: Bích Thủy

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2019 lần thứ nhất diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/2019.

Đánh giá về tình hình đầu tư của ngành VLXD năm 2018, ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD thuộc Bộ Xây dựng cho biết, nhìn chung toàn Ngành tiếp tục có sự phát triển. Tất cả các chủng loại sản phẩm VLXD chủ yếu đã cơ bản thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, đồng thời một số sản phẩm VLXD đã tham gia vào thị trường xuất khẩu. Một số loại sản phẩm giữ vai trò chủ đạo đã có sự tăng trưởng tốt như xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng...

Chẳng hạn như xi măng, tổng công suất đầu tư năm 2018 là 82 dây chuyền sản xuất, đạt 97,64 triệu tấn/năm. Sản lượng tiêu thụ đạt 97,02 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2017.

Trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 64,93 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017; xuất khẩu khoảng 32,09 triệu tấn, tăng 56% so với năm 2017.

Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, sản xuất và sử dụng các VLXD xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng VLXD xanh ở Việt Nam, cần tăng cường giới thiệu, quảng bá về công nghệ sản xuất và công năng của VLXD xanh đến các nhà đầu tư sản xuất và người sử dụng.

Trên thực tế, theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Thiết bị Môi trường và An toàn lao động của Viện VLXD thuộc Bộ Xây dựng), người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ về nhãn sinh thái, ít quan tâm xem sản phẩm minh tiêu thụ có thân thiện với môi trường hay không.

Mặc dù sản phẩm VLXD xanh rất có tiềm năng phát triển trong tương lai, nhưng hiện các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm phát triển bởi sự gia tăng chi phí và thị trường chưa phát triển. Cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm xanh chưa thực sự hiệu quả. Nhãn xanh Việt Nam đối với VLXD vẫn còn hạn chế về mặt số lượng.

Do đó, bà Tâm cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào công nghệ để cải thiện sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường hơn. Nhãn chứng nhận VLXD xanh cần kết hợp với chương trình chứng nhận công trình xanh. Người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và so sánh mức độ thân thiện môi trương của sản phẩm sử dụng.

Tại Hội thảo, một số công nghệ và VLXD mới có ưu điểm vượt trội, thân thiện môi trường được doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu như: băng NITTO – loại vật liệu chống nứt và chống thấm có hiệu quả kinh tế cao (Công ty Hóa dầu công nghệ cao HI-PEC); công nghệ phụ gia bê tông CSSB - công nghệ Miclayco của Công ty CP Thương mại Cánh buồm đỏ...

Sản lượng sản xuất một số VLXD chính của cả nước năm 2018
và kế hoạch năm 2019

 

TT

Chủng loại

Đơn vị

Sản lượng
năm 2018

Tăng giảm so với
năm 2017 (%)

Kế hoạch sản xuất và tiêu thụ năm 2019

1

Xi măng

Triệu tấn

97,02

+19

99

2

Gạch gốm ốp lát

Triệu m2

705

+5

760

3

Sứ vệ sinh

Triệu sp

16

+10

18

4

Kính xây dựng

Triệu m2

265

-7

275

5

Đá ốp lát

Triệu m2

16

+4

16,5

6

Gạch không nung

Tỷ viên

8,0

Tương đương

9

Trần Nam

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google