(TN&MT) - Nếu chúng ta sử dụng điện và năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, nền kinh tế nói chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng và gánh nặng về chi phí điện năng cho mỗi gia đình sẽ giảm. Đó chính là thông điệp của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2019 tại Việt Nam.
Hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) của Việt Nam lên đến 8,1% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia so với kịch bản thông thường đến năm 2030 và 10% đến năm 2035, chủ yếu từ nhóm ngành công nghiệp.
Thực tế, từ hơn một thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực phát triển khuôn khổ thể chế và luật pháp để thúc đẩy việc SDNL TK&HQ. Các chương trình, dự án và giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) giúp giảm tiêu thụ khoảng 12,6 triệu TOE trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tương đương với việc tránh phải đầu tư xây dựng 5.000 MW nhiệt điện.
Mặc dù vậy, mức giảm này vẫn thấp hơn so với tiềm năng (mới đạt khoảng 5,8% tổng tiêu thụ NL), phần lớn các hoạt động mới chỉ dừng lại ở giải pháp quản lý và giải pháp không yêu cầu đầu tư hoặc yêu cầu mức đầu tư thấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện và năng lượng của Việt Nam mỗi năm tăng đến 10%, cao hơn tốc độ tăng của GDP. Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có mức độ sử dụng điện và năng lượng trên GDP cao hàng đầu trong khu vực, chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm cao hơn các nước có cùng trình độ công nghệ. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) và EVN cho thấy, năm 2018, 1kWh điện chỉ làm ra 1,3 USD cho Việt Nam, trong khi mức bình quân của thế giới là 1 kWh điện làm ra 3,3 USD.
Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với thách thức trong việc cung ứng điện, khi nguồn cung mới không có nhiều, nhưng phụ tải điện tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho hệ thống điện.
Thực tế, áp lực này đã “bung ra” vài ngày trước, thời điểm Bộ Công Thương công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng 8,36%. Theo các chuyên gia, động thái này ngoài việc giảm gánh nặng cho ngành điện còn đánh vào túi tiền của người dân, doanh nghiệp, buộc họ phải quan tâm tìm kiếm và đầu tư nhiều hơn cho các giải pháp tiết kiệm điện về lâu dài.
Ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng, World Bank Việt Nam cho rằng, lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền tại Việt Nam như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn. Tất cả sản lượng điện sản xuất mới từ than nhập khẩu và trữ lượng khí trong nước đều sẽ có giá thành cao hơn và tất yếu, giá bán điện sẽ tiến tới phản ánh chi phí đầu vào sản xuất. Việc thúc đẩy hơn nữa các giải pháp SDNL TK&HQ sẽ tác động tích cực đến việc quản lý nhu cầu năng lượng quốc gia, trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu nguồn điện.
Tiết kiệm năng lượng 8 - 10% đến năm 2030
Trong tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình được kỳ vọng sẽ kế thừa và phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những hạn chế của Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các giai đoạn trước, phối hợp và lồng ghép với các Chương trình khác đang được triển khai thực hiện.
Theo các chuyên gia, Chương trình cần xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam theo hướng công khai, minh bạch, cùng với việc ngành điện công khai các số liệu đầu vào, mức độ tổn thất, các ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp, khách hàng sử dụng năng lượng đều phải có trách nhiệm trong việc nâng cao ý thức sử dụng điện của mình. Đi cùng với đó là những chế tài xử lý, giám sát một cách thường xuyên, chặt chẽ. Điều này không chỉ giúp giảm những bức xúc về cách tính giá điện mà còn tăng ý thức sử dụng các giải pháp, thiết bị thay thế, tiết kiệm điện năng, giúp tăng hiệu quả đầu tư của nền kinh tế.
Việc thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm điện còn tạo sức bật cho đà phát triển năng lượng tái tạo hiện nay ở Việt Nam, giảm phụ thuộc vào các nguồn lượng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, các hoạt động sản xuất và sử dụng năng lượng là nguyên nhân chính phát thải khí nhà kính - tác nhân quan trọng dẫn đến biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người nói riêng, đến môi trường, tự nhiên và Trái đất nói chung. Vì thế, tiết kiệm năng lượng là mũi tên trúng hai đích, vừa giúp nâng cao tính hiệu quả của cuộc sống, của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Đây chính là ý nghĩa của Chủ đề Chiến dịch Giờ Trái đất 2019.
Các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ bảo tồn được nguồn năng lượng của quốc gia, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đã tiếp tục lập kỷ lục sau năm 2018.