Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, việc tiết kiệm năng lượng vẫn luôn là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của xã hội. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong chính sách năng lượng quốc gia, được Chính phủ trực tiếp giao Bộ Công Thương làm đầu mối phối hợp với các bộ/ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Với những nỗ lực đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách năng lượng quốc gia bên cạnh việc gia tăng năng lực cạnh tranh của từng ngành, từng doanh nghiệp, việc tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam đã dần đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể như:
Hoàn thành chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng; tăng cường việc áp dụng quy chuẩn xây dựng “Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đối với các tòa nhà có quy mô lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng và thúc đẩy các giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể khác.
Đồng thời cũng tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua việc triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tập trung vào các ngành: công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường; giao thông vận tải và xây dựng; đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng.
Tiết kiệm hiệu quả với giải pháp dán nhãn năng lượng. Ảnh minh họa |
Lựa chọn giải pháp dán nhãn năng lượng
Theo thống kê của Bộ Công thương, kể từ khi Chương trình dán nhãn năng lượng áp dụng bắt buộc từ ngày 1/7/2013 đến tháng 6/2018, đã có khoảng 15 nghìn mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng. Trong đó, các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.
Còn theo báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hằng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng hơn 100 triệu kW giờ/năm.
Đến năm 2017, gần như toàn bộ sản phẩm điều hòa tại Việt Nam đã được dán nhãn năng lượng; số mẫu đạt 4 sao và 5 sao chiếm 62,8%. Dự báo lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn năng lượng sẽ đạt khoảng 10% vào năm 2020 và con số này có thể lên tới 30% vào năm 2030.
Không chỉ là hành động góp phần bảo vệ môi trường xanh, dán nhãn năng lượng còn giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hay sản phẩm bảo đảm hiệu suất năng lượng mong muốn trên thị trường. Nói cách khác, dán nhãn năng lượng còn là giải pháp tiết kiệm tài chính tối đa cho mỗi gia đình đồng thời góp phần thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Bởi thay vì chỉ chú trọng vào giá cả, mẫu mã như trước đây thì nay nhiều người đã tìm hiểu thêm thông tin về kỹ thuật và chỉ số tiêu thụ năng lượng của sản phẩm, góp phần hỗ trợ tiết kiệm điện năng một cách tối ưu nhất.
Thanh Ngọc
08 - 05 - 2019
08 - 05 - 2019
08 - 05 - 2019
01 - 04 - 2019