Cần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong Luật Xây dựng (sửa đổi)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) - Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước và từ các tổ chức quốc tế, đây là cơ hội tốt để bổ sung các quy định về tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong hoạt động xây dựng vào dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia của dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (EECB), do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, Bộ Xây dựng cũng đã có những đề xuất cụ thể, thiết thực.


Chính sách về TKNL trong hoạt động xây dựng chưa được quan tâm đúng mức

Chính sách về TKNL trong hoạt động xây dựng chưa được quan tâm đúng mức

Theo thống kê, năng lượng sử dụng trong hoạt động xây dựng chiếm 30 - 40% tổng năng lượng quốc gia. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) trong ngành Xây dựng có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ về kinh tế - xã hội, mà có cả ý nghĩa về mặt môi trường. Tuy nhiên, chính sách và pháp luật về TKNL trong hoạt động xây dựng hiện chưa được quan tâm đúng mức.

TS. Nguyễn Trung Hòa - Phó Chủ tịch Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Năm 2010, Luật Sử dụng NLTK&HQ được Quốc hội thông qua. Tiếp đó, năm 2011, Nghị định 21/2011/NĐ-CP (quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng NLTK&HQ) cũng đã được ban hành. Các nội dung của văn bản pháp luật nói trên chủ yếu được cụ thể hóa cho các hoạt động TKNL thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Mặc dù, ngành Xây dựng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng quốc gia, song các nội dung của pháp luật về hoạt động TKNL trong lĩnh vực xây dựng lại rất mờ nhạt, thiếu cụ thể và chưa đầy đủ. Do đó, việc đưa bổ sung các nội dung quy định về TKNL trong lĩnh vực xây dựng vào Luật Xây dựng (sửa đổi) là cơ hội tốt để hoàn thiện về mặt pháp lý cho hoạt động thúc đẩy TKNL của ngành Xây dựng.

TS. Nguyễn Trung Hòa cũng phân tích dự thảo nội dung sửa đổi Luật Xây dựng (Dự thảo 4), tại Điều 4, Khoản 8 với nội dung “Đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng cường phát triển khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh, công trình xanh, công trình và sản phẩm xây dựng TKNL; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng theo lộ trình do Chính phủ quy định”.

Theo TS. Nguyễn Trung Hòa, nội dung của khoản này không có tính pháp luật và không nhất quán trong các điều khoản trong Luật Xây dựng. Trong luật không thể có các quy định với các từ ngữ kiểu khẩu hiệu như “Đẩy mạnh”, “Tăng cường”, “Ứng dụng”, “Phát triển”. Đó là các từ thường được sử dụng trong các văn bản chiến lược, định hướng… với hàng loạt các biện pháp thực hiện kèm theo.

Hơn nữa, đã là “Nguyên tắc cơ bản” (Điều 4) thì các điều khoản khác trong luật phải thể hiện được các nguyên tắc trên. Rất tiếc, trong dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) không có bất cứ điều khoản nào thể hiện được các nguyên tắc đã nêu. Bộ Xây dựng không thể đưa ra các quy định, hướng dẫn cho các hoạt động TKNL của ngành vì không có cơ sở pháp lý cần thiết.

TS. Nguyễn Trung Hòa cũng chỉ ra một số nội dung khác đã được quy định trong Luật Sử dụng NLTK&HQ nhưng chưa được thực thi. Đơn cử, Điều 16 quy định, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, ban hành định mức về sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, thi công, vật liệu xây dựng (VLXD) nhằm sử dụng NLTK&HQ. Trên thực tế, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (trên cơ sở soát xét Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD), tuy nhiên đến nay vẫn chưa có định mức năng lượng cho các công trình xây dựng.

Điều 41 quy định ưu đãi thuế, đất đai, vay vốn đối với hoạt động sử dụng NLTK&HQ và Điều 42 quy định ưu đãi về hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ TKNL…, nhưng cho đến nay, chưa có chính sách ưu đãi nào được cơ quan có thẩm quyền ban hành để áp dụng cho các công trình TKNL.

Bên cạnh đó, Luật Sử dụng NLTK&HQ chưa quy định đầy đủ, chưa rõ ràng một số nội dung liên quan đến TKNL trong hoạt động xây dựng. Điều 39 quy định: “Phương tiện, thiết bị thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường” nhưng bỏ qua việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm VLXD có yêu cầu cách nhiệt, một tính năng rất cần thiết cho việc thiết kế và xây dựng công trình TKNL.

Chứng nhận hiệu quả năng lượng cho công trình xây dựng

Chứng nhận hiệu quả năng lượng (HQNL) của công trình xây dựng (hay còn gọi là dán nhãn năng lượng) là một hoạt động mang tính tự nguyện. Công trình xây dựng là một loại hàng hóa đặc biệt. Do đó, cũng như phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng khác, việc cung cấp thông tin về hiệu quả năng lượng của công trình là hết sức cần thiết cho các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng, người sử dụng trong công trình. Điều đó không chỉ minh bạch hóa thông tin về công trình mà còn nâng cao nhận thức của xã hội về TKNL.


Việc cung cấp thông tin về hiệu quả năng lượng của công trình là hết sức cần thiết cho các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng, người sử dụng trong công trình.

Chia sẻ về kinh nghiệm dán nhãn năng lượng cho công trình xây dựng ở các nước, ông Nicolas Jallade (chuyên gia dự án EECB) cho biết: Tại Mỹ, từ năm 1992 đã triển khai việc dán nhãn Sao năng lượng cho công trình nhà ở, phi nhà ở, công trình công nghiệp xây mới và hiện hữu, nhằm giúp doanh nghiệp và cá nhân tiết kiệm tiền và bảo vệ khí hậu thông qua HQNL vượt trội.

Muộn hơn 1 năm, từ năm 1993, Úc dán nhãn NatHERS, cung cấp thông tin về hiệu quả nhiệt của cấu trúc ngôi nhà, đối với các công trình nhà ở xây mới.

Tại châu Âu, việc dán nhãn HQNL cho công trình nhà ở và phi nhà ở đối với công trình xây mới và hiện hữu được triển khai khá phổ biến, trong đó, Pháp thực hiện từ năm 2006, Ailen từ năm 2007 và Bỉ từ năm 2008…

Ông Nicolas Jallade nhận định: Hệ thống dán nhãn năng lượng đã được xây dựng và triển khai thành công ở nhiều quốc gia, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và làm thay đổi nhận thức thị trường qua việc làm cho các công trình HQNL trở nên hữu hình và có khả năng sinh lợi…

Từ thực tế trên, ông Nicolas Jallade khuyến nghị triển khai hệ thống dán nhãn HQNL cho công trình xây dựng ở Việt Nam. Song ông Nicolas Jallade cũng cho rằng để triển khai được việc dán nhãn HQNL cho công trình thì trước tiên, Việt Nam phải ban hành khung chính sách về vấn đề này.

Cũng cho rằng việc dán nhãn HQNL công trình như các nước sẽ thúc đẩy phát triển công trình TNKL tại Việt Nam, ông Yannick Millet - chuyên gia dự án EECB chia sẻ: Cần triển khai hệ thống dán nhãn HQNL cho công trình xây dựng cũng như triển khai đo lường và kiểm định HQNL trong công trình xây dựng (M&V) tại Việt Nam. Để thực hiện được các hoạt động nói trên, Việt Nam cần ban hành các văn bản pháp luật liên quan.

Ông Yannick Millet đề xuất: Thời gian tới, khi sửa đổi Luật Xây dựng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các nội dung liên quan đến TKNL công trình cũng như đề cập đến việc chứng nhận, dán nhãn TKNL cho công trình. Đây là những thể chế quan trọng để phát triển công trình TKNL sau này.

Thúc đẩy các chính sách về TKNL trong ngành Xây dựng

Quản đốc dự án EECB Hoàng Thị Kim Cúc cho biết: Có 3 nội dung dự án EECB tập trung đề xuất bổ sung trong Luật Xây dựng. Thứ nhất là yêu cầu về TKNL trong hoạt động xây dựng nói chung (gồm quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành, sản xuất VLXD, thiết kế và xây dựng công trình, quản lý vận hành công trình xây dựng). Thứ hai là đề xuất dán nhãn năng lượng cho sản phẩm VLXD có yêu cầu cách nhiệt; đánh giá và cấp chứng nhận công trình HQNL công trình xanh (là hoạt động tự nguyện). Thứ ba là đề xuất quản lý sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 09:2017/BXD, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

“Các đề xuất nói trên đã được lãnh đạo Bộ Xây dựng đồng thuận về mặt chủ trương. Hy vọng, thời gian tới, các đề xuất này sẽ được xem xét đưa vào dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi”, bà Hoàng Thị Kim Cúc kỳ vọng.


Quy định về sử dụng NLTK&HQ trong Luật Xây dựng là rất cần thiết.

Đánh giá cao những nỗ lực của dự án EECB trong việc tham gia thúc đẩy chính sách, pháp luật liên quan đến TKNL trong ngành Xây dựng, đại diện nhà tài trợ UNDP cho biết: UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động xây dựng thể chế liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Sử dụng NLTK&HQ.

Với nhận định: Quy định về sử dụng NLTK&HQ trong Luật Xây dựng là rất cần thiết, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thúc đẩy hoạt động TKNL trong hoạt động xây dựng nói chung và trong các công trình xây dựng nói riêng, UNDP sẵn sàng phối hợp với dự án EECB trong việc đề xuất với Bộ Xây dựng bổ sung các nội dung liên quan đến TKNL công trình trong Luật Xây dựng sửa đổi.

Đại diện Bộ Xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đánh giá cao sự cần thiết, tầm quan trọng của việc bổ sung nội dung quy định sử dụng NLTK&HQ trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã và đang chủ động đề xuất với Bộ trưởng bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi trên tinh thần không làm phát sinh thủ tục hành chính.

Ông Vũ Ngọc Anh mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của UNDP, dự án EECB trong việc thúc đẩy phát triển các chính sách pháp luật về TKNL trong công trình, với các hoạt động cụ thể như tham gia hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động TKNL ngành Xây dựng giai đoạn đến năm 2030 để trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành trong năm 2019; Tham gia cùng Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 21/2011/NĐ-CP; Hoàn thiện và trình Bộ KH&CN thẩm định, công bố các tiêu chuẩn Việt Nam về TKNL; Sửa đổi, bổ sung bộ câu hỏi sát hạch năng lượng hành nghề hoạt động xây dựng về TKNL…

Phúc Minh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google