Bằng việc tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng vào thiết kế, thi công công trình nhà cao tầng, mỗi năm chủ đầu tư có thể tiết kiệm hàng tỉ đồng các chi phí vận hành hệ thống.
Báo cáo mới đây của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam”, Bộ Xây dựng (Dự án EECB) cho thấy, việc xây dựng công trình theo hướng tiết kiệm năng lượng không chỉ bảo vệ môi trường mà sẽ tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống cho các chủ đầu tư.
Theo bà Nguyễn Hồng Tú – chuyên gia tiết kiệm năng lượng công trình, đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu xanh, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao cùng đội ngũ quản lý tốt, có thể tiết kiệm đến 24 - 66% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Nếu áp dụng theo Bộ Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Công trình Hiệu quả năng lượng (QCVN 09:2017/BXD) của Bộ Xây dựng, các công trình xanh có thể tiết kiệm được từ 20-37% năng lượng tiêu thụ.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong xây dựng giúp giảm chi phí khi vận hành |
Tuy nhiên, khi áp dụng các giải pháp trên, các chủ đầu tư thường lo ngại về mức tăng chi phí đầu tư. Đây là rào cản khiến họ còn băn khoăn khi lựa chọn xây dựng công trình xanh. Theo bà Nguyễn Hồng Tú, bài toán kinh tế khi xây dựng công trình xanh nên nhìn vào quá trình vận hành trong tương lai.
“Trong thực tế áp dụng triển khai các công trình xanh, các chuyên gia quốc tế đã ghi nhận, chi phí đầu tư chỉ tăng từ -0,4 – 9%, tức là chi phí đầu tư có thể giảm. Nếu để đạt được chứng chỉ Platinum, chi phí đầu tư có thể tăng lên một chút, còn nếu chỉ để tiết kiệm năng lượng thì chưa chắc đã tăng lên. Ngoài ra khi đi vào vận hành, nhà đầu tư sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí trong các năm tiếp theo”, bà Tú cho biết.
Tên công trình | Tổng mức năng lượng tiết kiệm | Mức tăng chi phí đầu tư | Thời gian hoàn vốn | Mức tiết kiệm chi phí năng lượng |
Tòa nhà Coninco (Số 4, Tôn Thất Tùng, Quận Đống Đa, Hà Nội) |
42% | 0% | 0 năm | 3, 2 tỉ VND/năm |
Tòa nhà Hoa Sen Vàng (Số 7, Nam Quốc Cang, Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM) |
66% | Đang đánh giá | Đang đánh giá | 2,44 tỉ VNĐ/năm |
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo, Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) |
53% | 4% | 4 năm 5 tháng | 657 triệu VNĐ/năm |
Khu nhà ở cao tầng và thương mại Y1 Capitaland – Felix En Vista (Khối Y1, phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP.HCM ) |
52% | 2% | 1 năm 6 tháng | 13,2 tỉ VNĐ/năm |
Công trình Khách sạn, Văn phòng và nhà ở Anland 2, Hà Nội (Khu đô thị Nam Cường, Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
60% | Đang đánh giá | Đang đánh giá | 9,9 tỉ VNĐ/năm |
Ngoài ra, việc xây dựng các công trình xanh còn là một trong những yếu tố để các chủ đầu tư thu hút khách hàng vì họ sẽ rất an tâm khi được sống và làm việc trong những tòa nhà đạt tiêu chuẩn xanh. Đây cũng là xu thế chung của xã hội.
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm 40% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Ở Việt Nam, do quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh nên tỉ lệ này dự báo sẽ còn cao hơn nữa. Vì vậy việc thúc đẩy xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng, tài nguyên cho đất nước, giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính là mục tiêu toàn cầu.
Huyền Trang (Thế giới tiếp thị)
10 - 10 - 2019
01 - 10 - 2019
08 - 10 - 2019