Công trình xanh tại Việt Nam vẫn đang "chập chững" những bước đầu tiên

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google
Khi xây dựng một công trình xanh, doanh nghiệp sẽ phải “cõng” thêm 10 - 15% tổng kinh phí xây dựng. Chi phí đắt, lại nhiều thủ tục nên nhiều chủ đầu tư chưa thực sự mặn mà

Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 70, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Theo nhận định của một số chuyên gia, rào cản lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam chính là định kiến về mức kinh phí trội thêm một cách đáng kể so với các công trình xây dựng thông thường.

Điều này khiến cho doanh nghiệp BĐS khi xây dựng công trình xanh bị giảm mạnh về lợi nhuận.

So với các công trình thông thường, việc đầu tư xây dựng công trình xanh thường có chi phí đắt đỏ hơn

Số liệu thống kê từ VGBC cho thấy, vào năm 2017, chi phí xây dựng công trình xanh tại Việt Nam cao hơn 10% so với một công trình dân dụng bình thường.

Còn theo tiết lộ của TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng), chi phí khi xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam sẽ trội thêm ít nhất từ 10 - 15%.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho hay, với công trình công cộng, chung cư cao cấp thì mức tăng 10 - 15% là không đáng kể và có thể chấp nhận được đối với một chủ đầu tư BĐS.

Nhưng đối với các công trình nhà ở bình dân, nhà ở trong khu dân cư, chi phí trội thêm 10% đã là quá cao so với thu nhập bình quân của người lao động.

Cây cầu Bắc Hưng Hải trong khu đô thị Ecopark với những hàng hoa tím nhìn từ trên cao như dải lụa mềm mại vắt mình qua dòng sông

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, dù sớm hay muộn, các doanh nghiệp BĐS sẽ phải tìm đến công trình xanh như một quy luật tất yếu để bảo vệ môi trường sống, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người tiêu dùng. 

"Một công trình xanh đem lại nhiều lợi ích bền vững như tiết kiệm được 25% - 50% nguồn tài nguyên (giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng), và khoảng 30% chi phí bảo dưỡng công trình. Đặc biệt, trong bối cảnh ô nhiễm không khí, khói bụi ở các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng, người dân ngày càng có nhu cầu sống trong các không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên", bà Thuận nói.

Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, có thể coi mức kinh phí phụ trội khi xây dựng công trình xanh là một khoản đầu tư dài hạn, có thể giúp chủ đầu tư thu hồi vốn thông qua việc tiết kiệm tài nguyên và chi phí vận hành, bảo dưỡng công trình.

Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới đã phát triển các công trình xanh từ rất lâu, mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường.

Còn tại Việt Nam, xu hướng xây dựng đô thị xanh mới chỉ manh nha trong 10 năm gần đây và chưa thật sự phổ biến.

Theo các chuyên gia BĐS, việc xây dựng các công trình xanh trong thực tế có nhiều thách thức.

Ngoài việc chi phí bị độn lên, thì quy trình thủ tục cũng còn phức tạp, tốn kém... Ngoài ra, nhiều người mua căn hộ chỉ tìm vị trí đẹp, giao thông thuận tiện mà hoàn toàn không quan tâm đến yếu tố xanh như chủ đầu tư dùng đèn gì, tiết kiệm nước ra sao…

Hiện tâm lý của người mua ở Việt Nam nhiều khi vẫn đặt nặng yếu tố giá cả, vị trí giao thông mà bỏ qua các yếu tố về cảnh quan, chỉ số hạnh phúc... Đây cũng là lý do khiến cho nhiều CĐT chưa mặn mà xây dựng công trình xanh

"Tâm lý của nhiều người mua ở Việt Nam nhiều khi đặt yếu tố giá cả, vị trí giao thông lên đầu mà bỏ qua các yếu tố về cảnh quan, tính bền vững của công trình hoặc các chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc, sức khỏe.

Ngoài ra, điều còn thiếu hiện nay là bộ tiêu chuẩn thiết kế về sử dụng năng lượng và vật liệu trong nhà chung cư để các nhà thiết kế có thể áp dụng, cũng như làm cơ sở cho các nhà quản lý và đầu tư tham khảo khi quyết định xây dựng các công trình chung cư. 

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các tiêu chí này để tạo điều kiện cho việc xây dựng các công trình xanh ở Việt Nam phát triển", TS.KTS Lê Thị Bích Thuận nói.

(Theo Báo Dân trí)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google