Tạo dựng “đô thị xanh” ven biển Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Là quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260km, với trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh thành ven biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, các đô thị ven biển có thể coi là những cực phát triển kinh tế biển.

Thực trạng

Đô thị ven biển được xem là các cực mũi nhọn phát triển kinh tế biển. Trong xu hướng liên kết kinh tế và hợp tác hiện nay, việc lựa chọn các đô thị ven biển để phát triển và liên kết kinh tế là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển, điều đó sẽ giúp các tỉnh, vùng tiết kiệm được nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ… của địa phương. Hơn nữa, cần phải tập trung nguồn lực cho các đô thị ven biển, nhằm tạo sự đột phá mạnh và sức lan tỏa rộng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Các đô thị biển đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chung nhưng cũng mới chỉ giải quyết được vấn đề tổ chức mặt bằng tổng thể, phân khu chức năng, các hướng phát triển… mà chưa đề xuất được không gian kiến trúc, đặc biệt là trên các mặt tiền tuyến ven biển, các quy định về tầng cao trung bình và các chỉ tiêu chủ yếu của đô thị hướng biển.

Các dự báo về quy mô dân số và dự kiến phân bổ dân số cho từng khu vực chưa hợp lý, chưa đủ cơ sở làm tiền đề cho việc nghiên cứu các vấn đề phát triển đô thị liên quan. Quy hoạch chi tiết chạy đua theo phong trào khai thác chia lô, chiếm lĩnh toàn bộ không gian đô thị.

Tổ chức môi trường ở còn ỷ lại các khu vực tự nhiên mà quên đi việc cải thiện môi trường, không gian tại các khu đô thị.

Những vành đai huyết mạnh ven biển chưa có cơ hội kết nối sâu trong đất liền nên chưa phát huy hết các yếu tố gợi mở của biển. Thực tế hiện nay có rất nhiều ý kiến tranh cãi về cách phát triển của đô thị này.

Đô thị biển - vấn đề về nhà cao tầng và tầm nhìn biển?

Cơn sốt “BĐS du lịch” đã tạo ra được cơ hội tốt cho việc phát triển quy hoạch - kiến trúc các đô thị ven biển Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời cũng nảy sinh những vấn đề gây tranh cãi về những lợi thế và bất cập của việc xây dựng nhà cao tầng ven biển.

Nhà cao tầng ven biển có những lợi thế về tạo dựng cảnh quan hiện đại, về quảng bá thương hiệu và hưởng lợi từ các tài nguyên thiên nhiên như nắng gió tầm nhìn, không khí trong lành… Chúng luôn được các nhà đầu tư du lịch cũng như các nhà quy hoạch kiến trúc tận dụng.

Một ví dụ thành công của nhà cao tầng ven biển là Marina Bay ở Singapore, nhưng Singapore lại là một trường hợp đất chật, bãi biển không đẹp, hoàn toàn khác so với các đô thị biển Việt Nam. Singapore đã từng bỏ tiền mua cát ở biển miền Trung Việt Nam đổ cho những bãi biển của họ.

Bên cạnh lợi thế luôn là những bất cập. Trước hết, nhà cao tầng thích hợp với các đô thị nén nhiều hơn so với đô thị ven biển, bởi đô thị biển thường là không gian nghỉ dưỡng du lịch với nhiều yếu tố thiên nhiên thoáng đãng, mật độ xây dựng thấp hơn. Vì vậy khi đưa một khối tích công trình lớn như các nhà cao tầng vào khung cảnh đô thị biển sẽ gây tác động mạnh tới cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến phân bố mật độ đô thị và thông gió đô thị.

Việc xây dựng một ngôi nhà cao tầng trong một khu vực đô thị sẽ là một biến động lớn về mật độ xây dựng. Do đó số lượng và sự phân bố nhà cao tầng trong quy hoạch phát triển đô thị cần hết sức cẩn trọng nếu không nó sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng đô thị và phá vỡ trạng thái cân bằng gây ra nhiều bất ổn về môi trường, kinh tế và xã hội.

Với chiều cao và diện mặt đứng lớn, nhà cao tầng sẽ che chắn ánh nắng mặt trời tạo ra nhiều vùng bóng đổ. Làm thay đổi chuyển động không khí tác động đến các vùng tiểu khí hậu đô thị. Những “dãy tường cao ốc” ven biển sẽ che hết gió mát, nắng và gây ra ô nhiễm môi trường “tầm nhìn biển” của phần đô thị biển phía sau.

Cơ hội và thách thức?

Trên thế giới có nhiều cách đánh giá và các tiêu chí khác nhau để xác định một đô thị xanh bền vững. Tuy nhiên, trong “Hiệp định thành phố môi trường của LHQ năm 2005”, một chương trình hành động được đưa ra bao gồm 7 nội dung được xem là tiền đề của các tiêu chí của đô thị xanh sau này, đó là:

1. Năng lượng: Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Giảm sát chất thải: Thành phố không chất thải; nêu cao trách nhiệm của nhà sản xuất, trách nhiệm của người tiêu dùng.

3. Thiết kế thành phố: Công trình xanh; quy hoạch đô thị xanh; giải quyết nhà ổ chuột.

4. Thiên nhiên của thành phố: Công viên, vườn hoa; phục hồi nơi sinh cư của các loại động vật đặc biệt là động vật hoang dã.

5. Giao thông vận tải: Giao thông công cộng; phương tiện giao thông sạch; giảm tắc nghẽn.

6. Sức khỏe môi trường: Giảm khói bụi, chất độc; hệ thống thực phẩm an toàn sức khỏe; không khí trong sạch.

7. Nước: Cấp nước hiệu quả; bảo tồn nguồn nước; giảm thiểu nước thải.

Nếu xét 7 tiêu chí của đô thị xanh như trên thì những đô thị ven biển Việt Nam đang có nhiều lợi thế và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra đòi hỏi đô thị ven biển Việt Nam phải thay đổi để hướng tới những mục tiêu bền vững hơn.

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Đô thị xanh Việt Nam

(Báo Xây dựng)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google