Phát triển công cụ hỗ trợ thực thi pháp luật về tiết kiệm năng lượng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) - Luật Xây dựng sửa đổi (Điều 10, Khoản 4) đã đưa ra nội dung khuyến khích đầu tư xây dựng công trình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; đô thị sinh thái, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đây là lần đầu tiên trong Luật Xây dựng, một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được cụ thể hóa trong Luật.

phat trien cong cu ho tro thuc thi phap luat ve tiet kiem nang luong

Lần đầu tiên trong Luật Xây dựng, một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được cụ thể hóa.

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), nhận định: Luật Xây dựng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2020 là cơ sở pháp lý quan trọng cho nhiệm vụ tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Nhằm cụ thể hóa hoặc hướng dẫn các quy định của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đang soạn thảo, hoàn thiện và thông qua hàng loạt dự thảo các văn bản dưới Luật, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; các tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận đô thị sinh thái, đô thị thông minh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

TS. Nguyễn Trung Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), Cố vấn Ban quản lý dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” (EECB) cho rằng: Để thực thi Điều 10, Khoản 4 của Luật Xây dựng về hoạt động đầu tư xây dựng công trình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Bộ Xây dựng cần có hàng loạt giải pháp và công cụ hỗ trợ.

Thứ nhất là xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng của ngành Xây dựng, trong đó đưa ra các nhiệm vụ, mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong các lĩnh vực xây dựng nhà ở và nhà dân dụng khác, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý và vận hành các công trình xây dựng.

Thứ hai là xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Chương trình này cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội.

Thông qua Chương trình này, ngành Xây dựng có thể triển khai và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 – 2030.

Thứ ba là hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về đô thị sinh thái, đô thị thông minh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

phat trien cong cu ho tro thuc thi phap luat ve tiet kiem nang luong

Cần hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các tiêu chí, tiêu chuẩn phục vụ hoạt động đánh giá và chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường (công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng), đô thị sinh thái, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững có vai trò quan trọng trong thực tiễnthúc đẩy sự phát triển lĩnh vực xây dựng. Thứ thư là nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; đô thị sinh thái, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Các chính sách ưu đãi về tài chính (vốn, thuế...), phi tài chính (chương trình phát triển, ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc...), định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng cần phải được cụ thể hóa trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và đề xuất của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình.

“Thiếu các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các quy định về đầu tư xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh chỉ đơn thuần là khẩu hiệu trang trí cho Luật mà thôi“, TS Nguyễn Trung Hòa nhận định.

Thứ năm là nâng cao năng lực, nhận thức của các cán bộ quản lý, các kỹ sư và kiến trúc sư tư vấn thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng và tài nguyên; đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các đô thị sinh thái, đô thị thông minh và phát triển bền vững.

Thứ sáu là tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng.

Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNDP, Bộ Xây dựng đã và đang nghiên cứu, phát triển hàng loạt các giải pháp và công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam như thiết lập định mức sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam theo yêu cầu của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thiết lập hệ thống theo dõi, quản lý và sử dụng năng lượng (M&V) trong các tòa nhà; Thiết lập các Tiêu chuẩn quốc gia về chỉ số, phân hạng, đánh giá và chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng (dán nhãn năng lượng); Hoàn thiện các định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, trong đó có đơn giá vật liệu xây dựng hiệu quả năng lượng, suất vốn đầu tư công trình hiệu quả năng lượng; Áp dụng thiết bị công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà cao tầng...

Sự hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng đối với Bộ Xây dựng trong việc thúc đẩy quá trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện yêu cầu tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng nói chung và công trình xây dựng nói riêng.

Phúc Minh

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google