Khâu đột phá thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp.
Khâu đột phá thứ 3 là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng đã được hoàn thiện và thông xe vào sáng 6/10
Trong thời gian qua, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tập trung thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về giải phóng mặt bằng; quản lý nhà chung cư; trật tự, văn minh đô thị; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Sau khi triển khai, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86%; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được phát triển đồng bộ, hiện đại hóa, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ. Diện tích đất dành cho giao thông tăng, năm 2020 ước đạt 10,05% đất đô thị; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, ước đạt 20,05%. TP cũng hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây xanh…
Hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; khớp nối đồng bộ quy hoạch nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; ga Hà Nội và khu vực phụ cận. Xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Xây dựng và triển khai các quy chế, quy định về cấp giấy phép quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt, cắm mốc giới, quản lý theo quy hoạch; quản lý khu phố cổ...
Khai thác hiệu quả các khu vực cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn của vùng nông thôn kết hợp khai thác du lịch và các khu nghỉ dưỡng ngoại ô. Quy hoạch đồng bộ, tập trung thu hút đầu tư phát triển một số cụm du lịch: Ba Vì - Suối Hai, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa...
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025 là đổi mới công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững. TP tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông khung và nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng; đầu tư xây dựng, quản lý đô thị theo hướng thông minh; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kỷ cương và trật tự văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kiểm soát cốt nền xây dựng, chống úng ngập; trong đó ưu tiên hạ tầng kết nối thuận lợi giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh; kết nối liên vùng với các địa phương; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị vệ tinh và các huyện dự kiến thành lập quận bảo đảm đáp ứng tiêu chí quy hoạch đô thị theo quy định.
Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, những công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; tập trung các tuyến giao thông kết nối với những đô thị vệ tinh và kết nối vùng để phát huy lợi thế của Thủ đô và các tuyến liên khu vực.
Theo thống kê, TP xác định danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành như: cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; nút giao Cổ Linh; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên; cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm; cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long,... giúp giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông.
Trong thời gian tới, Thủ đô tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Xuân Thủy (nangluongsachvietnam.vn)
12 - 10 - 2020
12 - 10 - 2020