Phát triển Đô thị thông minh: Người dân, doanh nghiệp đều hưởng lợi

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

TTO - Phát triển đô thị thông minh là 'cuộc chơi lớn' nhưng phải xác định đó là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia, hình thành những đô thị của chính người dân.


Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020, do Ban Kinh tế trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức vào ngày 22-10.
 

Phải do người dân, doanh nghiệp tạo nên

Phát biểu tại phiên toàn thể của diễn đàn chiều cùng ngày, Thủ tướng cho rằng phát triển đô thị thông minh là một "cuộc chơi lớn", trong đó cần có những "người cùng chơi" có "tầm nhìn" và "tiềm lực"...

Theo Thủ tướng, phát triển đô thị thông minh không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị.

"VN xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng việc phát triển đô thị thông minh "phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình".

Theo Thủ tướng, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. 

"Các địa phương, cùng với phát triển các tiện ích thông minh, cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh" - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát triển đô thị vẫn là một kênh tăng trưởng quan trọng của quốc gia nhưng "đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân, doanh nghiệp tạo nên, là đô thị có quan hệ xã hội tốt đẹp, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ con người với con người nhân văn".

Cơ hội cho mọi người

Trao đổi tại diễn đàn, ông Huỳnh Quang Liêm, phó tổng giám đốc tập đoàn VNPT, nhìn nhận: "Vấn đề cốt lõi của quá trình phát triển đô thị thông minh là xây dựng mạng thông tin mở giữa chính quyền và người dân, minh bạch thông tin; nâng cao chất lượng sống của người dân bằng chính hệ thống công nghệ thông tin hiện đại". 

Theo đó, doanh nghiệp sẽ có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững, Nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả, người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất.

"Thành phố thông minh là cách lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển kinh tế - xã hội quốc gia" - ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Bình, song hành cùng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xây dựng đô thị thông minh phải lấy lợi ích của người dân và phát triển bền vững làm trung tâm. 

"Không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này. Với lợi ích tổng thể, toàn diện như vậy, thành phố thông minh là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội!" - ông Bình lý giải.

Trong khi đó, ông Hán Minh Cường, chủ tịch HĐQT ACUD Group, cho rằng để xây dựng thành phố thông minh cần có sự tham gia của cộng đồng thực hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển, trong đó cần tham vấn ý kiến cộng đồng từ giai đoạn bắt đầu thực hiện quy hoạch. Người dân, chuyên gia tham gia thực chất và sâu hơn trong quá trình lập và triển khai quy hoạch, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo các chuyên gia, cùng với Chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng.

Các chuyên gia cũng lưu ý xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị, mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm bốn khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.

Phát triển Đô thị thông minh: Người dân, doanh nghiệp đều hưởng lợi - Ảnh 2.

Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội đã được đưa vào hoạt động tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Xu thế phát triển tất yếu

Trước đó, giữa tháng 10, tỉnh Lào Cai đã khởi động trung tâm phục vụ hành chính công cùng trung tâm điều hành thông minh (IOC) và khai trương trung tâm phục vụ hành chính công. Là một tỉnh miền núi, nhưng Lào Cai đã sớm đánh giá được giá trị của hệ thống quản lý, giám sát điều hành thông tin thông minh cho sự phát triển toàn diện của mình để quyết định cùng Tập đoàn VNPT xây dựng trung tâm điều hành thông minh.

Lào Cai là địa phương thứ 28 trong cả nước, từ ĐBSCL đến Tây Nguyên, cùng với VNPT xây dựng IOC và những nền tảng số của đô thị thông minh. Điều đó cho thấy rất nhiều địa phương tại VN, không chỉ các thành phố lớn, đã xác định được việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển đô thị thông minh hướng đến xã hội số, nền kinh tế số là xu thế phát triển tất yếu.

Thực tế đã cho thấy không chỉ những thành phố lớn mới cần nghĩ đến việc trở thành những đô thị thông minh. Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên có IOC đặt tại thành phố Đà Lạt. Và ngay từ khi đi vào hoạt động, IOC đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quản lý đô thị tại Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Với nền tảng do VNPT thiết lập và vận hành, IOC Đà Lạt trở thành công cụ hiệu quả để chính quyền giám sát và quản lý từ tổng quan đến chi tiết. Từ các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế đến việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công..., qua đó giúp lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời.

Qua các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN 2020 có thể thấy các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quản lý các bộ ngành từ Xây dựng đến Thông tin và truyền thông, Giao thông vận tải... đã có cùng quan điểm. 

"Đó là để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của các đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong tương lai gần, một giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị", một chuyên gia khẳng định.

Hướng tới Việt Nam số

Không có mô hình chung cho smart city

Với vai trò tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng triển khai thành công các giải pháp thành phố thông minh (smart city) tại Việt Nam, ông Huỳnh Quang Liêm khẳng định hướng tiếp cận của VNPT là không có một mô hình chung cho tất cả các tỉnh, thành phố.

"Dựa vào điều kiện môi trường, văn hóa và nhu cầu của từng địa phương, VNPT sẽ đưa ra các giải pháp thích hợp nhất", ông Liêm nói. Có nhiều lĩnh vực trọng tâm được VNPT đề xuất để xây dựng đô thị thông minh cho các địa phương trong thời gian qua và nhận được đánh giá rất cao, đó là chính quyền số, nông nghiệp, du lịch, môi trường và các lĩnh vực khác như an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế và giao thông.

Thúc đẩy chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm

Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020), do Ban Kinh tế trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức tại Hà Nội, với mục tiêu thúc đẩy việc chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN, nhằm đẩy nhanh tiến trình triển khai hiệu quả nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.

Phiên toàn thể của diễn đàn với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến, trong đó có trên 50 đại biểu quốc tế là đại diện cấp cao các nước ASEAN và 26 đô thị thông minh. Trong khuôn khổ diễn đàn cũng diễn ra 5 hội thảo chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực then chốt trong xây dựng đô thị thông minh như: quy hoạch và quản lý đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh; giao thông thông minh; năng lượng thông minh; dịch vụ thông minh.

Thanh Hà (Báo điện tử Tuổi trẻ)
Chia sẻ bài viết   Facebook   Google