Biến đổi khí hậu – Động lực đổi mới đô thị biển Việt Nam

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

Lịch sử xã hội loài người đã từng có những nền văn minh rực rỡ, huy hoàng bị phá hủy, tiêu vong bởi sự không quan tâm, ứng phó tốt với môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng,…Việt Nam với 3.260km bờ biển, trải dài từ Bắc xuống Nam, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH toàn cầu; vì vậy trực tiếp nhìn nhận BĐKH vừa là thách thức, vừa là động lực để thay đổi tư duy, đổi mới đô thị và phát triển nông thôn. Đô thị kinh tế biển là giải pháp tối ưu, đảm bảo hiệu quả đô thị hóa, đưa đất nước phát triển bền vững.

Thay đổi tư duy đô thị hóa để tiến ra biển

Thành tựu về đô thị hóa được coi là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ thịnh vượng của mỗi quốc gia và biểu hiện rõ nhất ở việc phân bố, phát triển toàn diện mối quan hệ hữu cơ giữa đô thị và nông thôn. “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” đã trở thành mục tiêu chiến lược cấp quốc gia và cần có các giải pháp cụ thể: Làm thế nào để phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững?, Với cách đô thị hóa hiện tại, bức tranh tổng thể đô thị và nông thôn Việt Nam sẽ ra sao?, Bao giờ Hà Nội, TPHCM mới hết là “đại công trường xây dựng”?, Động lực mới của đô thị hóa là gì?, Vấn đề BĐKH có quá đáng sợ, có cản trở phát triển đô thị và nông thôn mới không? là những câu hỏi cần sớm được giải đáp, làm sáng tỏ.

Từ truyền thống xa xưa, Việt Nam chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế nông nghiệp, phát triển từ nền văn minh lúa nước và lối suy nghĩ, tư duy “tiểu nông” dường như đã chi phối cách ứng xử đối với mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa từ thượng tầng kiến trúc tới xã hội dân gian. Khi Vua Hùng lựa chọn Sơn Tinh mà không tiến ra biển, là dường như đã lựa chọn tránh vấn đề BĐKH, phù hợp nhất với nền văn minh lúa nước, phù hợp với điều kiện con người, thổ nhưỡng nước ta thời bấy giờ. Thời nay ta đã có đủ công nghệ, điều kiện để chủ động chinh phục BĐKH, nước biển dâng để nâng cấp, mở mang thêm không gian sinh tồn, phát triển mới cho dân tộc.

Thành phố biển Yokohama, Nhật thích ứng BĐKH

Thành phố biển Yokohama, Nhật thích ứng BĐKH

Khi tiếp thu, hội nhập với văn minh phong kiến phương Bắc, tư bản châu Âu phương Tây, dân tộc ta đã có chuyển biến nhất định và nhiều văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn còn được lưu truyền. Điều này vừa làm người Việt có tính tự chủ văn hóa, không bị đồng hóa, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng kèm theo cách tiếp cận, tư duy nhìn nhận còn lạc hậu, lo sợ, chưa thể tạo đột phá ở một số lĩnh vực. Một số biểu hiện của tư duy lạc hậu là bảo thủ, cố “bám đất cha ông để lại”, ngại đi xa, ngại khám phá chinh phục miền đất mới, thị trường mới; vì vậy cứ “đô thị hóa tại chỗ” cho an toàn, ổn định ở “tầm thấp”. Thay đổi tư duy về đô thị hóa sẽ tạo ra thêm cách tiếp cận, thêm lối thoát mới cho việc phát triển bền vững nền kinh tế nói chung và hiệu quả phát triển đô thị, nông thôn nói riêng.

Tại Trung Quốc hiện tượng đô thị hóa đất đai đi trước đô thị hóa dân số, một mặt là do quy hoạch không gian yếu kém, mặt khác là do chuyển đổi hương thành trấn, huyện lên thành phố và mở rộng địa giới thành phố ra vùng nông thôn xung quanh, trong khi đất chưa xây dựng trong nội thành vẫn còn nhiều nhưng đã được cấp hết cho các dự án. Việc cấp đất tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách đô thị, vì vậy đô thị luôn khát đất, mà để có thêm đất thì phải mở rộng địa giới đô thị. Sự phát triển đô thị tập trung tại duyên hải và miền Nam rồi sau đó được chuyển vào nội địa và miền Tây. Chiến lược này giúp giảm bớt sự cách biệt kinh tế giữa các vùng, nhưng đồng thời cũng đem các công nghiệp ô nhiễm đến những khu vực có môi trường nhạy cảm tác động đến cả nước, như vùng thượng lưu các con sông Hoàng Hà, Trường Giang và Lan Thương (Hồng Hà). Các chiến lược quản lý môi trường đều bị bó hẹp trong địa giới đô thị nên kém hiệu quả, chẳng hạn không ứng phó được vấn đề bụi mù cả vùng hay ô nhiễm lưu vực sông. Khoảng 2/3 đô thị tại Trung Quốc thiếu nước do tình trạng ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Thành phố Bắc Kinh năm 2013 có 46 ngày mù khói bụi. Trung Quốc đã cho ta nhiều kinh nghiệm, bài học quý về đô thị hóa, thể chế quản lý liên kết vùng và phát triển bền vững.

Xu thế của thế giới tiến bộ là hướng ra biển, coi biển là không gian sinh tồn, xây dựng kinh tế biển, tự do hàng hải, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học biển,… Hầu hết các nước có biển, đầu tư vào kinh tế biển đều phát triển nhanh hơn, mạnh hơn các nước khác ví dụ như Nhật Bản, Na Uy, Singapore,… mà không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Na Uy với dân số chỉ hơn 5 triệu người nhưng là một cường quốc về kinh tế biển, đứng thứ 6 thế giới về dầu mỏ, đứng thứ 2 thế giới về khí tự nhiên, đội tàu vận tải biển, xuất khẩu hải sản. Nhiều nước như: Nhật, Brasil, Australia,… muốn tạo ra sự phát triển đột phá, tạo động lực mới đã chuyển thủ đô tới nơi khác, tạo thành cực không gian mới gần biển hơn và đặc biệt như Dubai lại xây dựng đô thị mới ra giữa biển để tạo cực thu hút cả thế giới.

Lý thuyết 4 thành phần kinh tế được đề xuất bởi Colin Clark Grant cho rằng: Trong giai đoạn tới, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên (khai khoáng, nông nghiệp) giảm xuống còn 10% trong cơ cấu lao động chung của các ngành kinh tế, sản xuất (công nghiệp, xây dựng) giảm xuống còn 20%, còn lĩnh vực dịch vụ và liên kết số sẽ chiếm 70%. Vì vậy động lực phát triển đô thị Việt Nam hiện đang trông chờ vào hoạt động kinh tế công nghiệp sẽ bị hạn chế, chậm lại do lao động công nghiệp sẽ bị giảm xuống.

Lý thuyết 4 thành phần kinh tế của Colin Clark Grant (nguồn ảnh bmktcn.com.vn)

Lý thuyết 4 thành phần kinh tế của Colin Clark Grant (nguồn ảnh bmktcn.com.vn)

Nông thôn Việt Nam vẫn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa làng xã truyền thống, đang trong quá trình chuyển đổi, thích ứng đô thị hóa, đổi mới phương thức sản xuất, bị chia cắt bởi đô thị và cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng phát triển nông thôn mới. Nông thôn hiện chiếm khoảng 65% dân số, đất đai toàn quốc nhưng hoạt động kinh tế nông nghiệp lại có chất lượng sản phẩm chưa cao, điều kiện canh tác hạn chế, chưa đưa công nghệ cao, hiện đại hóa vào sản xuất nông nghiệp và chưa tạo ra giá trị gia tăng đáng kể để chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Hoạt động kinh tế số mới phát triển tại Việt Nam đòi hỏi trình độ dân trí cao, công nghệ hiện đại, nguồn lực lớn và không dễ để Việt Nam với nền tảng hạ tầng, công nghệ thấp có thể cạnh tranh được với thế giới khi họ đã đi trước, nắm giữ các công nghệ nguồn và đã tiến tới công nghệ không gian vũ trụ từ lâu.

Chỉ có hoạt động kinh tế dịch vụ, kinh tế biển là phát huy được lợi thế sẵn có của 3.260 km bờ biển, với 28 tỉnh thành ven biển, các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2; hơn 3.000 hòn đảo trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa, dân số vàng (96 triệu người)thuận tiện giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối nhiều tuyến hàng hải của thế giới, chi phí logistics cạnh tranh và bên cạnh các ngành nghề truyền thống như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đóng tàu,… có nhiều dịch vụ mới như: du lịch, giải trí, khám phá biển đảo, đại dương, năng lượng tái tạo,… Đây sẽ là động lực mới cho phát triển đô thị Việt Nam, thúc đẩy sự sáng tạo, đảm bảo an ninh quốc phòng, dân sinh và tăng sức cạnh tranh quốc gia nếu ta vượt qua được nỗi lo sợ, thách thức về BĐKH, nước biển dâng.

Đồng thời thế giới ngày càng mở hơn, phẳng hơn, thông tin kết nối trở lên dễ dàng, Cách mạng công nghệ 4.0 cùng khoa học công nghệ phát triển; trình độ dân trí, lao động ngày càng cao hơn và có thể giúp ta tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả đô thị hóa và rút kinh nghiệm, tránh được các hậu quả tiêu cực trong quá trình phát triển của các nước khác.

Nên thay đổi tư duy “tiểu nông”, đơn ngành, kinh tế nông thôn trong chiến lược phát triển đô thị bằng tư duy mở – hiện đại, dũng cảm, hội nhập thị trường quốc tế, liên kết vùng; tổng hợp hoạt động kinh tế dịch vụ đô thị, kinh tế số và kinh tế biển… Đô thị hóa đúng hướng, tiến ra biển sẽ giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn các nước khác.

Chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng sẽ đổi mới đô thị và nông thôn mới

Hiện nay các vấn đề BĐKH gây bão, lũ lụt, nước biển dâng, làm trên 40 tỉnh có nguy cơ ngập cao (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ) với khoảng 128 đô thị có nguy cơ ngập cao, 20 đô thị có nguy cơ ngập nặng; BĐKH còn gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tác động đến phát triển hệ thống đô thị vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung (các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ) với khoảng 139 đô thị chịu ảnh hưởng 15 đô thị có khả năng chịu tác động mạnh. Một số nơi bắt đầu gặp khó khăn trong cấp nước do nguồn nước ngầm suy giảm, nguồn nước ngầm và nước mặt cho các đô thị ven biển bị nhiễm mặn; môi trường sinh thái đô thị và nông thôn bị tổn hại nặng nề. Việc phát triển đô thị và nông thôn chịu sự tác động của môi trường, BĐKH, nước biển dâng là không thể tránh khỏi và cũng đã cảnh báo sớm cho chúng ta mặt trái của tăng trưởng, giúp ta dự báo nguy cơ, chuẩn bị các kịch bản đối phó, thích ứng.

Tới nay toàn quốc cũng mới đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35%. Hai cực đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM, chiếm khoảng 17% dân số toàn quốc, chiếm gần 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động toàn quốc, chiếm hơn 1/3 GDP toàn quốc, khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia,… được kỳ vọng là hình mẫu thành công trong phát triển kinh tế, đô thị hóa nhưng hiện đang gặp nhiều vấn đề nan giải như nhà ở, đô thị vệ tinh, vấn đề năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt, hạ tầng quá tải, ô nhiễm không khí, tắc đường, rác thải, chất thải,…và sẽ vẫn là “đại công trường xây dựng” lâu dài. Ở các địa phương khác, các khu đô thị mới phần lớn chuyển đổi đất đai nông nghiệp, bao trùm nông thôn giống như 2 cực trên, đã là động lực, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh hơn, nhiều hơn nhưng chất lượng đô thị hóa còn thấp.

Hiệu quả tăng trưởng kinh tế cả ở đô thị và nông thôn chưa tương xứng, cân bằng với hiệu quả về môi trường, văn hóa, xã hội. Việc chưa tìm ra hướng giải quyết tối ưu dẫn tới tính hiệu quả của đô thị hóa bị nghi ngờ, gây tranh cãi không chỉ ở 2 cực này mà còn ở tất cả các tỉnh thành khác trên toàn quốc, chứ chưa nói đến việc tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Hiện tượng phổ biến ở 63 tỉnh thành Việt Nam là đô thị ở trung tâm và bao quanh bởi nông thôn (rất giống ở Trung Quốc). Đô thị hóa đã mở rộng vùng đô thị trung tâm bằng cách lấy đất đai bao quanh, làm quy mô nông thôn giảm xuống và hậu quả là nhiều khi tăng về đô thị thì lại triệt tiêu sự phát triển của nông thôn. Bên cạnh đó, động lực phát triển cũ nhờ khai thác tài nguyên khoáng sản, tích tụ dân số, kinh tế, lao động giá rẻ, trình độ thấp đang bị hạn chế, dần cạn kiệt.

Một số đô thị Việt Nam quá tập trung, “nén” mật độ cao, với những cao ốc kính, bê tông, đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật mới chỉ đạt khoảng 10-15% đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30-35% và còn đi sau các hoạt động kinh tế đô thị; đồng thời chưa có sự giám sát tiêu chuẩn phát thải CO2 sẽ làm tăng hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống của người dân do sức nóng (điều hòa, động cơ,..), ô nhiễm không khí, tắc đường, khói bụi, ngập lụt,… và khó kiểm soát hiệu quả năng lượng.

Bao quanh đô thị trung tâm là nông thôn, đô thị hóa phần lớn phát triển trong đất liền, đồng bằng

Bao quanh đô thị trung tâm là nông thôn, đô thị hóa phần lớn phát triển trong đất liền, đồng bằng

Một số khu đô thị đã xử lý bằng cách tăng mật độ cây xanh, nâng cấp hạ tầng giao thông,… nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để bởi rất khó cho dòng chảy không khí lưu thông, làm mới, phát tán, hòa trộn giảm thiểu ô nhiễm như cách mà tự nhiên vẫn tự điều chỉnh và vẫn thiếu các hoạt động kinh tế mới làm động lực mới cho tăng trưởng phát triển. Giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường sinh thái là trọng tâm của đô thị hóa.

Khi các vấn đề đô thị hóa xuất hiện cả ở thành thị và nông thôn thì rất khó khăn nếu chỉ giải quyết bên trong từng đối tượng, cục bộ địa phương và nên thay đổi cách tiếp cận nhìn từ tổng thể quốc gia, ví như chuyển đô thị ra vùng biên; để xây dựng phát triển đô thị mà không triệt tiêu sự phát triển của nông thôn, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới hiện đại, rộng mở hơn.

Thế giới cũng đã có nhiều đô thị, đất nước vươn lên phát triển mạnh mẽ như thành phố “ngập nước” Venice (Italia), Hà Lan thấp hơn mặt nước biển, thành phố trên biển ở Dubai … nhờ sự chủ động thích ứng BĐKH, nước biển dâng.

Thành phố “ngập nước” Venice (Italia)

Thành phố “ngập nước” Venice (Italia)

Thành phố trên biển ở Dubai

Thành phố trên biển ở Dubai

Việt Nam tuy đi sau nhưng giờ lại có nhiều cơ hội nắm bắt thời thế, tiến bộ khoa học công nghệ cao, chinh phục biển, thích ứng BĐKH, nước biển dâng, dự báo được các ảnh hưởng thiên tai sóng thần, vượt qua các khó khăn thách thức mà các nước khác mất hàng chục tới hàng trăm năm mới phát triển được kinh tế biển.

Hoạt động kinh tế biển rất đa dạng, nhiều ngành nghề vừa truyền thống vừa mới từ các vùng ven bờ, biển, hải đảo tới đại dương, có nhiều dư địa và là động lực phát triển mới mà các đô thị bên trong đồng bằng hiện chỉ với hoạt động kinh tế dịch vụ đô thị, hoạt động kinh tế công nghiệp, rất mong muốn mà không có được. Nhìn ra biển hoặc nhìn từ biển vào, chúng ta có thể thấy vô vàn cơ hội đổi mới đô thị, phát triển nông thôn mới, vừa tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo môi trường sinh thái bền vững.

Đô thị kinh tế biển là giải pháp tối ưu, mở rộng thị trường, hội nhập thế giới

Khi đưa đô thị ra vùng ven biển, trên biển thì đô thị sẽ đổi mới thành đô thị kinh tế biển, sẽ nâng cao sự cạnh tranh quốc gia nhờ tiết kiệm chi phí logistics; chi phí sản xuất chế biến; giảm thời gian, chi phí trung gian giữa thị trường và dân cư đô thị, người tiêu dùng; tăng chất lượng hiệu quả hoạt động và mở ra nhiều hoạt động kinh tế dịch vụ mới, tạo nhiều sản phẩm có giá trị cao đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.

Nông thôn mới cũng nhờ đó mà có thêm dư địa phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại hóa, hiện thực hóa thị trường đất đai nông nghiệp tạo động lực phát triển mới, nâng cấp thành hậu phương lớn cho đô thị, cho thị trường quốc tế và cũng bảo tồn bền vững được các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tốt đẹp từ hàng trăm năm trước.

Đô thị tại các vùng ven biển hiện nay chưa được chú trọng ngoại trừ một số nơi có tiềm năng về hoạt động dịch vụ du lịch, cảng biển. Hầu hết các đô thị ven biển thường có chất lượng môi trường không khí tốt hơn các đô thị trong đồng bằng, miền núi; khí hậu có nền nhiệt độ thấp hơn nhưng nông thôn ở đây lại chịu sự tác động trực tiếp của BĐKH, nước biển dâng như bão, gió, ăn mòn,… Động lực phát triển kinh tế biển đang mở ra nhiều cơ hội mới, bên cạnh các hoạt động kinh tế công nghiệp, khai thác tài nguyên đã có; đây là hướng cần lưu tâm khi phát triển đô thị mới thay vì chỉ mở rộng các đô thị hiện hữu, tập trung quá nhiều nguồn lực cho 2 cực đô thị lớn nhất là Hà Nội và TPHCM.

Hiệu quả của đô thị hóa, của hoạt động kinh tế phải đạt được thông qua hiệu quả liên kết vùng: giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương gần nhau, có điều kiện thích ứng môi trường BĐKH tối ưu nhất,… Khi các vùng này tương hỗ cho nhau phát triển ổn định, bền vững thì sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động kinh tế khác phát triển mạnh mẽ hơn như: hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế biển, năng lượng tái tạo,…

Việc đẩy đô thị ra vùng biên, ven biển có thể giải quyết được nhiều vấn đề của đô thị hóa: Một là sẽ phát huy lợi ích tối đa của biển, phát triển kinh tế biển như các nước phát triển trên thế giới; bổ sung thêm cho đô thị một số động lực phát triển mới như hoạt động kinh tế biển, hoạt động logistics, hoạt động kinh tế công nghiệp chế biến, cảng biển, dịch vụ du lịch,… và môi trường sẽ luôn được gió biển làm mới, giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng sống của người dân. Hai là vùng nông thôn sẽ đẩy lùi vào phía trong, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi BĐKH, nước biển dâng và phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ ổn định, quá trình xây dựng nông thôn mới sẽ hiệu quả hơn. Ba là các đô thị hiện hữu bên trong đồng bằng sẽ có cơ hội được nâng cao chất lượng môi trường sống nội đô, giảm sức ép phải mở rộng, phát triển “nóng”.

Trước mắt từ nay đến năm 2035 đề xuất lựa chọn kiến tạo thêm 08 cực đô thị kinh tế biển bên cạnh 02 cực Hà Nội, TPHCM để tận dụng hết tiềm năng các vùng kinh tế trọng điểm và điều kiện hạ tầng hiện có là: 02 cực mới tại miền Bắc là Quảng Ninh (phát triển về phía Vân Đồn) và Hải Phòng (liên kết vùng, mở rộng thêm về phía Thái Bình); 02 cực mới tại miền Trung là cực ghép Nghệ An – Hà Tĩnh và cực ghép Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam (liên kết vùng, tạo thành 1 cực đủ lớn – chuỗi đô thị ven biển); 04 cực mới tại miền Nam là cực Khánh Hòa (phát triển về phía Vân Phong), cực ghép giữa Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu (liên kết vùng tận dụng lợi thế của cả 2 tỉnh); cực ghép Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng (liên kết vùng, chuỗi đô thị hướng ra biển) và cực thứ 8 là Kiên Giang (phát triển về phía Phú Quốc).

Sau đó tạo lập, phát triển các chuỗi đô thị kinh tế biển ở tất cả 28 tỉnh thành ven biển.

Đô thị mới sẽ là Đô thị kinh tế biển; Nông thôn mới sẽ phát triển vào phía trong và các đô thị hiện hữu sẽ hạn chế mở rộng được nâng cấp chất lượng nội đô.

Đô thị mới sẽ là Đô thị kinh tế biển; Nông thôn mới sẽ phát triển vào phía trong và các đô thị hiện hữu sẽ hạn chế mở rộng được nâng cấp chất lượng nội đô.

Xa hơn nữa có thể tiến ra biển, hải đảo, đại dương để kiến tạo các không gian sinh tồn mới cho thế hệ hiện tại và tương lai tiếp tục phát triển.

Thế giới đến với Việt Nam sẽ thấy một đất nước cởi mở, hòa bình, mạnh mẽ trước thiên nhiên, chinh phục BĐKH, nước biển dâng và sẽ được phục vụ tốt nhất, kết nối nhanh nhất, hiệu quả nhất tại các đô thị kinh tế biển; cùng lúc lại được thưởng thức thêm các sản phẩm, dịch vụ phong phú, đa dạng từ nông nghiệp, nông thôn đại diện nền văn minh lúa nước được bảo tồn, lưu truyền vừa nguyên vẹn vừa sáng tạo. Đô thị kinh tế biển là nơi giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh cạnh tranh quốc gia và là cửa ngõ hội nhập với thế giới tiến bộ.

Lời kết

Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị hóa và ứng dụng các thành tựu của thế giới về công nghệ cao, tăng trưởng kinh tế biển xanh, đô thị xanh, kiến trúc xanh, đô thị đáng sống,… phối hợp tốt với các hoạt động kinh tế đô thị, kinh tế số thì BĐKH, nước biển dâng sẽ chỉ là thách thức tạm thời, là động lực để chúng ta chủ động tiến ra biển, hình thành đô thị kinh tế biển và phát triển nông thôn mới.

Nhằm thúc đẩy việc xây dựng chuỗi đô thị kinh tế biển nhanh, hiệu quả; đồng thời với xây dựng nông thôn mới, cần có thể chế kết nối vùng, liên kết địa phương tương tự như các “bang” ở các nước phát triển để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, nhân tạo tại các vùng kinh tế trọng điểm hiện có; chủ động nguồn lực, trực tiếp chinh phục BĐKH, nước biển dâng.

Các đô thị kinh tế biển sẽ trở thành giải pháp trọng tâm, là hướng đi mới mang tính quy luật, giúp tăng trưởng kinh tế cân bằng với môi trường sinh thái, bền vững hơn; đảm bảo an ninh quốc phòng để sớm đưa đất nước hùng cường, tiến kịp các nước phát triển trên thế giới./.

TS.KTS Lê Xuân Trường
(Bài đăng tạp chí kiến trúc Việt Nam số  230, ngày 25/11/2020)

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google