Enel, tập đoàn năng lượng lớn nhất châu Âu, sẽ đầu tư 160 tỉ euro (190 tỉ đô la Mỹ) trong 10 năm tới để hướng đến trở thành nhà sản xuất dẫn đầu thế giới bên ngoài Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng xanh và đạt mục tiêu đạt đưa phát thải carbon về mức zero (0) vào năm 2050.
Một tuốc bin gió khổng lồ của Tập đoàn điện lực Iberdrola (Tây Ban Nha).
Biến đổi khí hậu giờ đây là mối quan tâm phổ biến trong các kế hoạch phát triển kinh doanh của lãnh đạo ở những tập đoàn tầm cỡ của thế giới. Nhưng ít công ty nào sánh được với Enel trong hành động thực tế. Hôm 24/11, Francesco Starace, Giám đốc điều hành Enel, công bố kế hoạch đầu tư 160 tỉ euro trong vòng 10 năm tới để tăng gần gấp ba công suất năng lượng tái tạo lên 120 GW và chuyển đổi mạng lưới điện ở châu Âu và Mỹ Latin để chuẩn bị cho một tương lai chỉ kinh doanh điện.
Enel, công ty năng lượng lớn nhất châu Âu, có trụ sở ở Rome (Ý). Cổ đông lớn nhất của Enel là Bộ Kinh tế và Tài chính Ý. Tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện cũng như phân phối khí đốt. Vốn hóa thị trường của Enel đã tăng hơn gấp đôi lên 85 tỉ euro kể từ Starace lên nắm ghế giám đốc điều hành vào năm 2014.
Starace cho biết gần một nửa trong ngân sách đầu tư nói trên sẽ phân bổ cho các dự án sản xuất điện trên toàn cầu, trong đó, các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ nhận được khoảng 70 tỉ euro.
Mức đầu tư năng lượng tái tạo của Enel trong 3 năm tới vào khoảng 17 tỉ euro, gần bằng tổng giá trị đầu tư mà ba tập đoàn dầu khí lớn BP, Shell và Total cam kết cho năng lượng sạch trong cùng thời kỳ. Enel vẫn vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện tại nhưng cam kết đóng cửa chúng vào năm 2027, trước ba năm so với kế hoạch ban đầu.
“Chúng tôi sẽ củng cố vị thế của chúng tôi như là một tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, Starace nói trong cuộc trò chuyện qua video với các nhà đầu tư. Ông cho biết đến năm 2030, gần 80% sản lượng điện của Enel sẽ đến từ năng lượng xanh, tăng so với mức 54% hiện nay.
Enel sẽ phân bổ khoảng 46% ngân sách đầu tư cho mảng kinh doanh mạng lưới điện. Starace cho hay: “Chúng tôi sẽ theo đuổi các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, chủ yếu ở mảng mạng lưới phân phối điện”. Enel dự định đầu tư 16,2 tỉ euro trong vòng ba năm tới để củng cố và số hóa mạng lưới điện, chuẩn bị cho một tương lai năng lượng sạch và xe điện.
Thông báo của ông Starace được đưa ra chỉ ít tuần sau khi Tập đoàn điện lực Iberdrola, doanh nghiệp lớn thứ hai ở Tây Ban Nha, thông báo sẽ đầu tư 75 tỉ euro vào năng lượng tái tạo và mạng lưới điện trong vòng năm năm tới. Iberdrola đặt mục tiêu nâng công suất năng lượng tái tạo lên 60 GW vào năm 2025, tăng gấp đôi so với hiện nay. Mức tăng trưởng này chủ đến đến từ các dự án điện gió và điện mặt trời.
Tại Mỹ, hồi đầu tháng 10, Công ty năng lượng tái tạo NextEra Energy, nhà sản xuất điện gió và điện mặt trời lớn nhất thế giới, vượt ‘ông lớn’ dầu khí ExxonMobil về mức vốn hóa. Mới đây, NextEra Energy ra giá 15 tỉ đô la để thâu tóm đối thủ Evergy (Mỹ) nhưng chưa được chấp nhận. Trong số 52,5 tỉ đô la cam kết đầu tư trong giai đoạn 2019-2022 của NextEra Energy, 30 tỉ đô la được phân bổ cho các dự án năng lượng tái tạo.
Các kế hoạch chi tiêu của ba công ty trên vẫn còn bé nhỏ so với tổng giá trị đầu tư mà các tập đoàn dầu khí toàn cầu đổ vào nhiên liệu hóa thạch mỗi năm. Nhưng động thái đầu tư quyết liệt của họ cho thấy rõ ba điều.
Thứ nhất, năng lượng tái tạo đã đi từ trạng thái thị trường ngách sang giai đoạn phát triển rực rỡ. Thứ hai, các công ty dịch vụ năng lượng như Enel hay Iberdrola, vốn bị xem phần chậm thức thời trong thế giới kinh doanh năng lượng, thì nay lại phản ứng nhanh nhạy nhất. Thứ ba, ngành công nghiệp dầu khí còn nhiều thứ để học hỏi nếu muốn chạy đua phát triển năng lượng tái tạo với các công ty dịch vụ năng lượng.
Theo Starace, đại dịch Covid-19 đã giúp thế giới hình dung rõ ràng hơn về một tương lai năng lượng tái tạo. Trong nhiều năm, thế giới vẫn tranh gay gắt về liệu hệ thống lưới điện có đủ khả năng hấp thụ năng lượng gió và mặt trời, vốn thất thường và có thể tăng đột ngột, mà không bị ‘sập’ hay không.
Ông cho rằng các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 trong thời gian qua có thể giúp giải tỏa tranh luận này. Các lệnh phong tỏa đã làm sụp đổ nhu cầu năng lượng ở châu Âu, khiến các nguồn điện truyền thống bị hắt hủi để nhường chỗ ưu tiên cho năng lượng tái tạo có chi phí rẻ hơn nhưng các hệ thống điện vẫn đứng vững trước cú sốc này.
Dù nhiệt điện than và khí đốt sẽ phục hồi nhưng Starace tin rằng các chính phủ giờ đây an tâm rằng năng lượng tái tạo không gây ra các mối nguy gián đoạn nguồn cung như những người chỉ trích cảnh báo.
Khánh Lan (https://ashui.com)
(TBKTSG /Theo Reuters, Economist)
30 - 11 - 2020
03 - 12 - 2020
02 - 12 - 2020
30 - 11 - 2020
25 - 11 - 2020