Phát triển công trình xanh ở Việt Nam (kỳ 2)
Kỳ 2: Tại sao phải phát triển Công trình xanh?
Trong những năm gần đây, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đã được phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á và châu Á, các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng đã được phát triển và đã có những tăng trưởng vượt bậc. Nhiều cơ chế, chính sách (tài chính và phi tài chính) đã được nhà nước ban hành nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các loại công trình này phát triển. Một số quốc gia đã có những quy định bắt buộc như Công trình xanh đối với tất cả các tòa nhà đầu tư công (Singapore), các giao dịch bất động sản trên thị trường phải là các tòa nhà được chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng (Trung Quốc)…
Như đã nói ở trên, Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng mang lại lợi ích to lớn và bền vững cho đất nước, cho xã hội và cho người sử dụng. Tại tuần lễ Công trình xanh năm 2020 do Bộ Xây dựng và cơ quan Liên Hợp quốc tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã nhấn mạnh vai trò phát triển công trình xanh tại Việt Nam đối với việc đạt được ba mục tiêu: tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng các vật liệu sản phẩm khai thác ít từ tài nguyên thiên nhiên và hài hòa với môi trường. Do đó, phát triển các loại công trình này là trách nhiệm của nhà nước và xã hội. Mặc dù hoạt động phát triển Công trình xanh, Công trình hiệu quả năng lượng ở phần lớn các quốc gia đều mang tính tự nguyện, nhưng đã được thể chế hóa bằng luật pháp, được nhà nước hỗ trợ, khuyến khích với những chính sách cụ thể và thiết thực. Ví dụ như các chính sách miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kinh phí thiết kế và xây dựng (Trung Quốc hỗ trợ 20 NDT (3USD)/m2 sàn cải tạo Công trình hiệu quả năng lượng), thưởng các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc (diện tích sàn, mật độ, tầng cao, khoảng lùi)…
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có quy định của pháp luật và các chính sách ưu đãi, trong hơn 10 năm qua đã có gần 150 công trình được các tổ chức quốc tế đánh giá, chứng nhận Công trình xanh theo các tiêu chí LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), Lotus (VGBC), Edge (IFC). Đây là những công trình được đầu tư bằng nguồn vốn trong nước và nước ngoài, bằng nhận thức của chủ đầu tư về lợi ích mang lại trong suốt thời gian vận hành công trình. Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, đầu tư xây dựng các công trình này, chi phí đầu tư có thể tăng thêm từ 1%-3%, song thời gian thu hồi vốn không dài (3-5 năm), lợi ích mà công trình này mang lại kéo dài suốt vòng đời công trình.
Nguyễn Thị Hằng