Nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong ngành Xây dựng

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google

(Xây dựng) – Ngày 7/11 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo tập huấn: “Các quy định pháp luật, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, thực thi công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành Xây dựng”.


Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo nhằm phổ biến và giới thiệu các quy định pháp luật, kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm quản lý, thực thi công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành Xây dựng. Tham dự Hội thảo có đại diện các Sở Xây dựng trên toàn quốc, các Viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện ngành Xây dựng, các Tổng Cty, doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc.

Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) chia sẻ: Hội thảo tập huấn công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng là một trong những Hội thảo tập huấn, phổ biến các văn bản vi phạm pháp luật cũng như giới thiệu các quy chuẩn, tiêu chuẩn và trao đổi, thảo luận, các bài học cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm quản lý môi trường của các đơn vị quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các Tổng Cty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành Xây dựng.

Đây là hội thảo được tổ chức hàng năm theo các chủ đề khác nhau. Chủ đề của hội thảo năm nay tập trung vào việc giới thiệu các quy định, văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như kinh nghiệm thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư ngành Xây dựng. Ở Hội thảo lần này có một số thay đổi như: Hội thảo bao gồm những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quy định liên quan đến vấn đề quan trắc, giám sát chất thải tại các dự án đầu tư xây dựng và công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh từ ngày 1/1/2018 các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có lượng khí thải lớn sẽ thuộc diện phải quan trắc môi trường, khí thải và nước thải, tại Hội thảo này Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ cung cấp cơ sở cho các doanh nghiệp đặc biệt là các Tổng Cty lớn trong ngành Xây dựng như VICEM, Viglacera triển khai.

Ông Thịnh cũng cho biết thêm: Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) thường tổ chức các hội thảo 2-3 lần mỗi năm. Thông qua những thông tin và văn bản quy phạm pháp luật được phổ biến, các tiêu chuẩn, quy chuẩn được giới thiệu và các bài học được chia sẻ, các cán bộ thuộc Cục, Vụ, Viện, trường, doanh nghiệp và Tổng Cty có thể nắm được các quy định pháp luật mới nhất về bảo vệ môi trường, những vấn đề cần quan tâm đối với các quá trình chuẩn bị, thực hiện và quản lý các dự án đầu tư xây dựng, các công trình xây dựng và các cơ sở sản xuất vật liệu ngành xây dựng. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn thông qua Hội thảo này Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có thể lắng nghe các ý kiến phản hồi về những bất cập, khó khăn vướng mắc trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp, các đơn vị cơ sở để trao đổi, giải đáp các băn khoăn cũng như tiếp thu và phản hồi lên các cơ quan chức năng có liên quan. Đồng thời, ông Thịnh cũng bày tỏ hy vọng qua Hội thảo này những bài học kinh nghiệm được chia sẻ từ các doanh nghiệp áp dụng tốt các mô hình quản lý môi trường sẽ được các đơn vị khác học tập, cải tiến và nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị.

Tại Hội thảo, Ông Dương Thanh An – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã giới thiệu về các quy định, thủ tục bảo vệ môi trường khi triển khai dự án. Trong đó, các điều kiện kinh doanh liên quan đến môi trường đã được đơn giản hóa như các vấn đề về vận chuyển hàng nguy hiểm; việc cấp giấy phép quan tắc môi trường; việc phá dỡ tàu đã qua sử dụng…

Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giới thiệu về các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan tới hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng và vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) giới thiệu về các mô hình và các bài học kinh nghiệm thông qua việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ tại các doanh nghiệp sản xuất ngành Xây dựng

Tại Hội thảo, đại diện Ban An toàn môi trường thuộc Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã chia sẻ những kinh nghiệm quản lý môi trường.

Các công trình bảo vệ môi trường của các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Vicem Hải Phòng, Hạ Long, Vicem Hoàng Thạch bao gồm: Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt với công suất từ 80-200m3/ngày; xử lý khí thải bằng hệ thống lọc bụi tay áo và lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất trên 99%...

Các công trình bảo vệ môi trường tại mỏ nguyên liệu đều được xử lý bằng hệ thống phun sương và xe tưới nước trên đường vận chuyển. Nước thải từ khai trường được thu gom qua các hệ thống mương sau đó được xử lý qua hố lắng, sử dụng moong đã khai thác.

Các chất thải rắn sinh hoạt của các công ty thành viên đều được các công ty đối tác vận chuyển và xử lý. Việc quan trắc môi trường được thực hiện 4 lần/năm.

Các công ty thành viện của VICEM đều được chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và chứng nhận Môi trường ISO 14001.

Tại Hội thảo, đại diễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đã tích cực thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và được giải đáp những thắc mắc mà đơn vị mình đang gặp phải. Từ đó giúp các những quy định pháp luật, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, thực thi công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành Xây dựng được đi vào thực tiễn.

Thu Giang – Linh Nguyễn

Chia sẻ bài viết   Facebook   Google